Tụ tập bao nhiêu là đông người?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:42, 10/04/2020
Những quy định hạn chế chẳng hề trích dẫn phân tích khoa học nào mặc dù con số chính xác khá quan trọng: Quá lớn thì không thể kiểm soát dịch bệnh, quá nhỏ thì cuộc sống lẫn sinh kế người dân bị ảnh hưởng.
Gần đây đã xuất hiện nghiên cứu giúp đưa ra câu trả lời. Giáo sư Laurent Hébert-Dufresne thuộc đại học Vermont (Mỹ) cùng 4 học giả khác xác định không có quy mô tụ tập nào an toàn tuyệt đối, nhưng vẫn có một ngưỡng quyết định đến việc dịch bệnh bị kiểm soát hay lây lan mạnh mẽ - phát hiện có thể là nền tảng cho giới chức các nước khôi phục nhịp sống thường nhật mà không khiến số ca nhiễm tăng vọt.
Theo mô hình tính toán của nhóm học giả, trong điều kiện cấm tụ tập từ 30 người trở lên thì dịch bệnh (giả định) vẫn hoành hành; giảm xuống cấp tụ tập trên 20 người dịch bệnh bị dập tắt. Từ đây họ rút ra ngưỡng kiểm soát dịch hiệu quả là 23 người.
Nhà dịch tễ học Lydia Bourouiba thuộc Viện công nghệ Massachusetts (MIT) không tin tưởng con số 23 cho lắm. Bà cho rằng ngưỡng kiểm soát COVID-19 vẫn chưa rõ và còn phải tùy tình hình cụ thể từng quốc gia, tuy vậy chuyên gia này đánh giá ý tưởng tìm quy mô tụ tập thích hợp rất cần thiết, do không thể nào buộc người dân ở nhà mãi được.
Theo nhà dịch tễ học Marc Lipsitch thuộc trường y Harvard T.H. Chan: “Cắt giảm dần giới hạn tụ tập cho thấy chúng ta ngày càng nhận thức rõ mức độ cần thiết của giãn cách xã hội. Tôi không chắc liệu có ngưỡng kiểm soát dịch hiệu quả hay không. Khuyến nghị từ giới chức các nước chủ yếu dựa trên quan niệm rủi ro tỷ lệ thuận với quy mô tụ tập. Lượng người tăng lên 10 lần thì nguy cơ lây lan tăng gấp hơn 100 lần”.
Giáo sư Hébert-Dufresne bảo vệ nghiên cứu do nhóm ông thực hiện: Dịch bệnh lây lan giống như nhóm lửa cần mồi lửa cùng nhánh cây. Trong mô hình tính toán mồi lửa là tụ tập quy mô nhỏ, tụ tập quy mô lớn là nhánh cây. Muốn lửa không bùng lên ta chỉ cần loại bỏ nhánh cây thay vì mồi lửa.
“Mồi lửa” và “nhánh cây” được phân biệt thông qua ba yếu tố tốc độ truyền bệnh, kích thước nhóm, mức độ quảng giao của thành viên nhóm. Hai yếu tố sau có thể xác định nhờ dữ liệu qua mạng xã hội (cho biết số lượng bạn bè, những nơi mà một người thường lui tới,…).
Cẩm Bình (theo Science News)