Trái sầu riêng gia nhập ngành hàng tỉ đô, vẫn 'đau đáu' nỗi lo về chất lượng
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 09:28, 04/09/2023
Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho biết 8 tháng qua, xuất khẩu rau quả đạt 3,45 tỉ USD, tăng 57,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, con số trên đã vượt kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả năm 2022 (3,16 tỉ USD) và với tốc độ tăng trưởng có thể vượt kỷ lục 3,81 tỉ USD vào năm 2018.
Đáng chú ý, với việc mang về 1,2 tỉ USD, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả 8 tháng năm 2023, sầu riêng chính là nhóm hàng đóng góp lớn cho kỷ lục của rau quả. Đặc biệt, đà tăng của loại trái cây này được dự báo còn tiếp tục bởi đây là lợi thế của Việt Nam khi sầu riêng của các nước Đông Nam Á khác đã hết vụ.
Nằm trong nhóm những mặt hàng rau quả xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, sầu riêng những tháng qua đã ghi nhận tăng trưởng ngoạn mục về xuất khẩu sang thị trường có dân số lớn nhất thế giới là Trung Quốc. Nhu cầu tăng cao tại thị trường Trung Quốc khiến sầu riêng trở thành mặt hàng nhập khẩu hàng đầu của Trung Quốc, cả về số lượng lẫn giá trị.
Từ tháng 9.2022, sầu riêng của Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sầu riêng của nước ta có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, thời gian vận chuyển đến Trung Quốc cũng nhanh hơn so với Thái Lan.
Vì vậy, để cạnh tranh được ở thị trường Trung Quốc, sầu riêng Việt cần tập trung đầu tư để nâng cao chất lượng, mẫu mã cũng như xây dựng thương hiệu. Không chỉ tập trung cho thị trường Trung Quốc, các địa phương và doanh nghiệp cũng đang chú trọng tìm kiếm thêm các thị trường tiềm năng khác. Những hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm sẽ mang trái cây Việt Nam đi xa hơn, đồng thời phát triển diện tích vùng trồng ổn định, tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản đặc trưng ở mỗi địa phương cũng là cách tiêu thụ các loại nông sản được thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, mặt hàng sầu riêng của Việt Nam cũng đối mặt nhiều rủi ro khi liên tục bị cảnh báo vi phạm về kiểm dịch thực vật, chất lượng không đảm bảo khi múi bị sượng. Nguyên nhân của tình trạng trên là có những thời điểm giá lên cao, thương lái gom hàng mạnh, chủ vườn tranh thủ bán hàng chạy giá theo kiểu cắt một lần là sạch vườn thì tỷ lệ trái non rất lớn.
Mặt khác, vấn đề lớn nhất của ngành hàng sầu riêng Việt Nam hiện nay là chưa có bất cứ quy định nào để kiểm soát chất lượng. Gần đây, Cục Bảo vệ thực vật cũng cho biết liên tục nhận được thông báo của nước nhập khẩu liên quan đến việc nhiều loại nông sản không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật (KDTV) bao gồm các sản phẩm chuối, xoài, sầu riêng, mít, thanh long, nhãn... xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; dư lượng hóa chất trong nông sản vượt quá quy định, trong đó có sầu riêng...
Các thông báo này cũng yêu cầu Việt Nam phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ các đối tượng KDTV và dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) tồn dư trong nông sản xuất khẩu.
"Nhiều ý kiến lo ngại về tình trạng dư lượng hóa chất BVTV tồn dư trong các lô hàng xuất khẩu, không tuân thủ các quy định về KDTV và an toàn vệ sinh nông sản có nguồn gốc thực vật khi xuất khẩu, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt", đại diện Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp đề nghị Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn sớm xây dựng quy định, chế tài và quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói hiệu quả hơn, bảo vệ chủ sở hữu mã số. Đồng thời, cần chuẩn hóa, đồng bộ về chất lượng, bao bì, nhãn mác, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Hoàng Trung yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục đàm phán để mở rộng thị trường xuất khẩu và để được các nước nhập khẩu cấp thêm các mã số mới cho hàng nông sản Việt Nam.
Cần tăng cường công tác hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc cấp, quản lý và sử dụng mã số tại các địa phương; phối hợp với các bộ ngành và địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa và thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới lô hàng; phát hiện, xử lý và tuyệt đối không cấp giấy chứng nhận KDTV cho các lô hàng không tuân thủ quy định pháp luật về KDTV.