Môi trường sống 'xanh' giúp kéo dài tuổi thọ

Thông tin Y học - Ngày đăng : 13:01, 01/09/2023

Trang Business Insider đưa tin về một trường hợp bị ung thư gian đoạn cuối lại sống thêm hơn 30 năm sau khi chuyển từ Mỹ về quê nhà tại Hy Lạp sinh sống.

Khi Stamatis Moraitis 66 tuổi, các bác sĩ nói rằng ông chỉ còn sống được từ 6 - 9 tháng. Người đàn ông dành phần lớn cuộc đời sống ở ngoại ô New York và Florida này cảm thấy khó thở, không thể hoàn thành một ngày làm việc như trước đây. Nhiều bác sĩ Mỹ chẩn đoán ông bị mắc ung thư phổi giai đoạn cuối.

Moraitis quyết định cùng vợ Elpiniki quay về quê nhà: đảo Ikaria bị cô lập trên Địa Trung Hải. Ông không muốn gia đình phải gánh hàng nghìn USD tiền tổ chức đám tang đắt đỏ tại Mỹ nên muốn được chôn cất tại nơi gần gia đình, bên bờ biển và chỉ tốn vài trăm USD.

Ông không biết mình đã về sống ở "vùng xanh" nơi cư dân thường có tuổi thọ trên 100 tuổi. Moraitis hít thở không khí trong lành, ngắm làn nước trong xanh, thưởng thức rượu, gặp bạn bè cũ và làm vườn.

Nho được trồng ở sân sau. Moraitis nghĩ mình sẽ không còn trên đời để thưởng thức rượu vào thời điểm nho sẵn sàng thu hoạch, nhưng ít nhất vợ ông có thể nhìn cây nhớ đến ông.

vublue.jpg
Ông Stamatis Moraitis (phải) - Ảnh: Business Insider

30 năm sau, Moraitis vẫn còn sống và trồng đủ loại trái cây rau quả. Nhà thám hiểm National Geographic Dan Buettner đã tìm đến tìm hiểu bí quyết trường thọ.

“Tôi hỏi: “Bí quyết của ông là gì?”. Ông ấy nhún vai rồi nói: “Chẳng biết nữa! Tôi đoán là tôi đã quên chết rồi””, nhà thám hiểm Buettner kể lại trong loạt phim tài liệu Live to 100: secrets of the Blue Zones phát sóng trên nền tảng Netflix.

Rất khó biết chính xác tại sao Moraitis lại sống thêm được đến 32 năm sau khi bị chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn cuối. Không loại trừ khả năng ông sở hữu vài đặc tính di truyền độc đáo thường thấy ở người sống thọ, giúp bảo vệ họ khỏi nhiều bệnh chẳng hạn như ung thư.

Nhưng nhà thám hiểm Buettner nghi ngờ rằng yếu tố chính giúp kéo dài tuổi thọ không đến từ bên trong, mà từ môi trường xung quanh: con người, cây cỏ, không khí, lối sống. Một nghiên cứu trên 2.872 cặp sinh đôi Đan Mạch chỉ ra di truyền chỉ quyết định 20 - 25% tuổi thọ.

“Moraitis không cố ý làm bất cứ điều gì để trở nên khỏe mạnh hơn. Tất cả những gì ông ấy làm là thay đổi môi trường sống”, nhà thám hiểm Buettner chỉ ra.

Nhà thám hiểm Buettner thậm chí còn cố gắng thiết lập lối sống của cư dân Ikaria tại Mỹ và đạt được thành công đáng kể. Bắt đầu từ thị trấn Albert Lea trên địa bàn bang Minnesota vào năm 2009, dự án Vùng xanh của ông làm việc với các thành phố nhằm đem lại nhiều cơ hội đi bộ và tập thể dục hơn, nâng cấp vỉa hè và lập làn đường cho xe đạp, thúc đẩy các quán ăn và cửa hàng cung cấp bữa ăn lành mạnh, tạo cơ hội cho mọi người tìm ra mục đích sống thông qua hoạt động tình nguyện, đi bộ, làm vườn hoặc vẽ tranh tường.

“Tôi tin hầu hết chúng ta là nạn nhân của môi trường xung quanh”, theo nhà thám hiểm Buettner.

Với trường hợp Moraitis, môi trường sống buộc ông phải leo thang hái ô liu và thu hoạch nho.

Moraitis nói với đài BBC vào đầu năm 2013 – vài tuần trước khi ông qua đời ở tuổi 98: “Tôi vẫn đang uống rượu và làm việc. Tôi không phải là bác sĩ, nhưng tôi nghĩ rượu có tác dụng. Tôi không làm gì khác ngoài dùng thực phẩm nguyên chất, rượu nguyên chất, thảo dược nguyên chất”.

Công việc hằng ngày đem lại mục đích sống. Nếu muốn nấu ăn với dầu ô liu hoặc rưới nó lên món salad, Moraitis phải ra vườn lấy ô liu vào để ép.

Cẩm Bình