Ngập lụt tại các đô thị ĐBSCL - Bài 2: Nhiều giải pháp chống ngập lụt đô thị của Cần Thơ

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 23:20, 29/08/2023

Từ năm 2019, khi đỉnh lũ ở Cần Thơ đạt mức cao nhất 2,25m, lãnh đạo TP.Cần Thơ đã có nhiều biện pháp chống ngập lụt đô thị. Các công trình này khá quy mô đến nay vẫn đang tiến hành khi mùa lũ năm 2023 sắp đến.

Nhiều dự án chống ngập lũ đã và đang thi công

Ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng Cần Thơ cho biết, căn cứ thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường tại buổi họp về giải pháp chống ngập đô thị trung tâm trên địa bàn thành phố ngày 8.6.2022, Sở Xây dựng Cần Thơ đã phối hợp với các sở ngành liên quan, các UBND các quận, huyện; các chuyên gia của Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ, Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu và các đơn vị liên quan đánh giá lại nguyên nhân gây ngập lụt khu vực trung tâm thành phố. Cần Thơ đã huy động sức mạnh tổng hợp để phục vụ công tác chống lũ đô thị.

nl-1.jpg
Cuối tháng 8.2023, nước sông Cần Thơ bắt đầu lên - Ảnh: Văn Kim Khanh

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Cần Thơ, nguyên nhân xảy ra ngập lụt tại TP.Cần Thơ gồm nhiều yếu tố như: vị trí địa lý, điều kiện địa hình, do tác động của lũ thượng nguồn, triều cường dâng cao trên sông Hậu, do mưa với cường suất lớn, quá trình đô thị hóa, do lún đất…

Trong những năm gần đây tình trạng ngập lụt tại TP.Cần Thơ diễn biến khá phức tạp đã gây trở ngại lớn cho nhiều hoạt động kinh tế, xã hội. Đặc biệt là kinh doanh buôn bán, hoạt động giao thông, sản xuất nông nghiệp, vệ sinh môi trường và bộ mặt cảnh quan đô thị ở thành phố bị ảnh hưởng nhiều.

nl-2.jpg
Quy mô âu thuyền ở rạch Cái Khế - Ảnh: Văn Kim Khanh

Với mục tiêu kiểm soát ngập lụt và vệ sinh môi trường cho phần đô thị lõi của quận Ninh Kiều và Bình Thủy, TP.Cần Thơ đã xây dựng hệ thống kè sông Cần Thơ (chiều dài 6,14km); xây dựng bờ kè cho rạch Cái Sơn - Mương Khai (3,6km); tuyến đường nối CMT8 với đường tỉnh 918; 09 cống ngăn triều trên tuyến hành lang kiểm soát ngập; cải tạo hệ thống kênh rạch nội ô (17 kênh rạch chính, chiều dài 16,35 km); lắp đặt các trạm bơm; hệ thống thiết bị quản lý vận hành hệ thống thoát nước hiện đại, đồng bộ.

nl-5.jpg
Âu thuyền rạch Cái Khế dự kiến hoàn thành  sẽ ngăn lũ và triều cường - Ảnh: Văn Kim Khanh

Không những huy động sức mạnh tổng hợp từ các sở ngành, TP.Cần Thơ còn huy động nhiều nguồn khác cho công tác này. Dự án 3 về nâng cấp đô thị, chống chịu với biến đổi khí hậu từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới là một điển hình. Dự án chống ngập, nâng cấp mặt đường và hệ thống thoát nước thuộc gói thầu CT3-PW1.11 sẽ thực hiện cải tạo, nâng cấp hơn 12.000m cống thoát nước trên 32 tuyến phố ở quận Ninh Kiều.

Phần lớn các khu vực này thuộc nội ô TP.Cần Thơ. Công trình âu thuyền ở rạch Cái Khế ngăn lũ, triều cường đang được tích cực thi công, phấn đấu hoàn thành trước mùa lũ 2023. Công trình nâng cấp mặt đường đoạn từ ngã tư Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Văn Linh đến đường Hoàng Quốc Việt đang khẩn trương thi công để đưa vào sử dụng trước mùa lũ năm 2023 cho thấy Cần Thơ đã có nhiều cố gắng trong việc chống ngập lụt đô thị.

nang-cap-duong-nguyen-van-cu-nguyen-viet.jpg
Nâng cấp đường Nguyễn Văn Cừ nối dài - Ảnh: Nguyên Việt

Tóm lại, về mặt định hướng quy hoạch đô thị và quy hoạch thoát nước, chống ngập trên địa bàn TP.Cần Thơ đã và đang được thực hiện khá quy mô. Tuy nhiên, nguồn kinh phí cho các dự án, công trình thoát nước và chống ngập khá lớn, nguồn lực thành phố hiện nay chưa thể đáp ứng trong thời gian ngắn mà cần phải có lộ trình đầu tư và nguồn kinh phí phù hợp để triển khai.

Giải pháp lâu dài

Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết lãnh đạo TP rất quan tâm và đã có nhiều quyết định về chống ngập lụt cho TP.Cần Thơ như: Quyết định số 3672/QĐ-UBND ngày 29.11.2016 phê duyệt Quy hoạch thoát nước TP.Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 3182/QĐ-UBND ngày 5.12.2018 về phê duyệt Quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt TP.Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các giải pháp đề xuất chống ngập, hạn chế, giảm ngập trong trường hợp mưa, lũ và triều cường xảy ra đã được đề xuất trong đồ án quy hoạch thoát nước và quy hoạch cao độ nền của TP.Cần Thơ.

nl-10(1).jpg
Ngập lũ trung tâm TP.Cần Thơ năm 2022 - Ảnh: Văn Kim Khanh

TP.Cần Thơ phối hợp với các sở, ngành và cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ) xây dựng Đề án chống ngập cho các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng cho đoạn 2021 – 2030. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, hạng mục công trình thuộc Dự án Phát triển TP.Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (dự án 3).

Vì dự án này hoàn thành sớm có ý nghĩa quan trọng, quyết định đối với việc quản lý, hạn chế ngập úng trong vùng lõi của quận Ninh Kiều, Bình Thủy do mưa lũ, triều cường gây ra trong ngắn hạn và trong tương lai.

TP.Cần Thơ hiện nay nằm trong vùng mà các nhà khoa học Việt Nam và thế giới dự báo ngập lụt do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong các năm qua triều cường uy hiếp thành phố, đỉnh lũ luôn lập mới. Vì vậy để chống chọi với ngập lụt đô thị không phải là chuyện có thể giải quyết trong ngày một ngày hai.

nl-11.jpg
Không thể nào đủ kinh phí để nâng cấp đồng bộ một đô thị  hơn 150 năm như TP.Cần Thơ - Ảnh: Văn Kim Khanh

ThS. Nguyễn Kim Hoàng, chuyên gia phát triển đô thị và hạ tầng - Cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ) cho rằng, do kinh phí để nâng cấp đô thị và chống lũ rất lớn nên phần lớn việc nâng cấp đô thị không đồng bộ. Nâng cấp đô thị thời gian qua chưa thực hiện tổng thể. Chính vì vậy đây cũng là nguyên nhân vì sao chúng ta cố gắng nhiều nhưng kết quả chưa như mong đợi.

Văn Kim Khanh