Thiếu 12.000 giáo viên: Ngành giáo dục đặt mục tiêu khắc phục khó khăn trong năm học mới
Giáo dục - Ngày đăng : 17:00, 27/08/2023
Cả nước thiếu 12.000 giáo viên, vì đâu nên nỗi?
Hiện nay, Nghị định 116/2020 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt với sinh viên sư phạm đã cho phép cơ chế đào tạo giáo viên theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu. Tuy nhiên, chính sách này vẫn còn gặp nhiều khó khăn khiến nhiều địa phương không mặn mà trong việc đặt hàng sinh viên sư phạm tại các trường ĐH.
Chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng nhà trường tuyển sinh và đào tạo các sinh viên sư phạm, tuy nhiên khi nhà trường hỏi các địa phương về tình hình đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 thì rất ít địa phương phản hồi. Nguyên nhân chính chủ yếu là khi đặt hàng giáo viên thì các sinh viên ra trường nhiều sinh viên không quay về địa phương, hoặc có quay về dạy thì không đạt yêu cầu tuyển dụng vì vẫn phải thi qua kỳ thi tuyển dụng viên chức.
Việc thiếu giáo viên, thiếu nguồn tuyển không chỉ xảy ra ở các địa phương vùng sâu, vùng xa mà ngay tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM khiến ngành giáo dục mòn mỏi đi tìm nguồn tuyển. Việc tuyển giáo viên đã khó, tuyển được giáo viên dạy được Chương trình giáo dục phổ thông mới còn khó hơn nhiều. Ngành giáo dục không quên được trong năm học 2022 - 2023 có tới 22 giáo viên ở Hà Nội đã phải dạy tiếng Anh trực tuyến cho hàng nghìn học trò miền biên giới vùng cao Hà Giang do tỉnh này thiếu thầy cô.
Tình trạng thiếu giáo viên trên toàn quốc được nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá là do chính sách, chế độ đãi ngộ với giáo viên chưa được hấp dẫn nên rất khó để thu hút hay giữ chân đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên chất lượng cao.
Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng cho biết hiện nay, ngành giáo dục đang đối diện với hàng loạt giáo viên đang xin nghỉ việc là điều vô cùng đáng tiếc. Với con số gần 12.000 giáo viên bị thiếu mà Bộ GD-ĐT vừa thống kê, không khác gì một lời than, lời kêu cứu cho toàn ngành giáo dục. Và đã đến lúc ngành giáo dục cần nghiêm túc xem lại để làm sao giáo viên có tiền lương đủ sống và cần ưu tiên trong việc chọn học sinh giỏi vào học các ngành sư phạm. Các bộ, ngành phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của nước ta lên những bước phát triển mới.
Ngành giáo dục nên có những cơ chế đặc thù
Năm học mới đã sắp bắt đầu, với mục tiêu đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục, ngành giáo dục đã yêu cầu các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các trường phải đủ sách giáo khoa cho các học sinh. Bên cạnh đó, việc có đủ đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu, đạt chuẩn chất lượng, nhất là giáo viên các môn chuyên biệt như tin học, ngoại ngữ, âm nhạc, hội họa... là rất cấp thiết.
Theo Bộ GD-ĐT, về lâu dài, việc khắc phục thiếu giáo viên sẽ cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương để có các cơ chế đặc thù riêng đối với các giáo viên tại địa phương. Tạo nguồn kinh phí để đặt hàng giáo viên; trả lương, phụ cấp cho các giáo viên và cho phép các trường được hợp đồng giáo viên để đủ số lượng người làm việc.
Năm học 2023 - 2024 cũng là năm thứ 4 ngành giáo dục áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới và chương trình này đòi hỏi phương pháp dạy và học cũng phải đổi mới và ngày càng nâng cao hơn. Chính vì thế, ngành giáo dục cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong việc tuyển dụng giáo viên để bổ sung. Việc tuyển dụng giáo viên cần thực hiện liên tục trong năm chứ không phải chỉ theo từng đợt để bổ sung kịp thời lượng giáo viên còn thiếu cho các trường học, đặc biệt ưu tiên tuyển giáo viên các môn chuyên biệt.
"Giáo dục là quốc sách hàng đầu" - chính vì thế vấn đề cấp thiết nhất của ngành giáo dục chính là khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng, đặc biệt là giáo viên chuyên biệt khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Cần tuyển giáo viên liên tục và thường xuyên đồng thời thực hiện việc ký hợp đồng với các giáo viên tại các trường cũng là một cách để ngành giáo dục bổ sung kịp thời lượng giáo viên còn thiếu tại các trường khi năm học mới tới gần.
Trước thềm năm học mới 2023 - 2024, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã khẳng định: Việc đổi mới giáo dục phổ thông đã đi được hơn nửa chặng đường và vấn đề thiếu giáo viên luôn là câu hỏi thường trực của chính ngành giáo dục cũng như cá nhân bộ trưởng.
"Chúng ta sẽ đãi ngộ giáo viên như thế nào bởi họ là lực lượng chính đã thực hiện đổi mới giáo dục trong bối cảnh nghiệt ngã vì đại dịch và tiếp tục sự nghiệp này trong thời gian tới trước nhiều thách thức, kỳ vọng, áp lực xã hội trong khi thu nhập lại rất thấp... Sắp tới, Bộ sẽ ra một số hướng dẫn để giáo viên giảm bớt khó khăn, đặc biệt ở những môn học tích hợp cấp THCS. Dạy học tích hợp đang còn là câu chuyện nhiều thách thức, do đó, chúng tôi sẽ tập trung hỗ trợ giáo viên nhiều hơn.
Hiện nay, ở một số địa phương có tình trạng khi được giao chỉ tiêu tuyển giáo viên thì họ "để dành", khi giảm biên chế phải trừ chỉ tiêu đó đi, họ lấy sẵn số đấy để trừ, trong khi họ cũng không tích cực trong việc tuyển giáo viên, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên kéo dài. Về phía trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, chúng tôi cần phải chỉ đạo ráo riết hơn nữa đối với các trường đại học sư phạm trong việc đào tạo nguồn giáo viên, để đủ nguồn tuyển và đề xuất thêm nhiều chính sách để các tỉnh ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc có thể thu hút, tuyển được giáo viên" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.