TP.HCM: Tăng dân số cơ học ảnh hưởng đến việc quy hoạch mạng lưới trường lớp

Giáo dục - Ngày đăng : 14:36, 23/08/2023

Đó là nội dung được đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức sáng nay 23.8.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm 2022, toàn thành phố đưa vào sử dụng 51 dự án với 874 phòng học mới, tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỉ đồng.

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên TP.HCM thực hiện đăng ký và nhập học hoàn toàn theo hình thức trực tuyến, cha mẹ học sinh kiểm tra thông tin và xác nhận nhập học trên hệ thống dữ liệu tuyển sinh đầu cấp, hồ sơ giấy chỉ nộp tại trường sau khi xác nhận nhập học.

Đây cũng là năm đầu tiên thành phố thí điểm áp dụng hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System - gọi tắt là bản đồ GIS) trong tuyển sinh đầu cấp tại 3 địa phương gồm TP.Thủ Đức, quận Tân Bình và quận 8. Học sinh được học tại trường gần nơi cư trú, không phân tuyến theo địa giới hành chính phường.

z3484213197627_949b6cdb04d8366f66089fc0d721dedf.jpg
Thí sinh dự thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM - Ảnh: Tú Viên

Về kết quả dạy học, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, điểm trung bình môn tiếng Anh của học sinh TP.HCM cao nhất cả nước. Vị trí này đã được duy trì trong 7 năm trở lại đây.

Việc triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện một cách nghiêm túc, đúng quy trình.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu khẳng định ngân sách dành cho giáo dục tại TP.HCM luôn được ưu tiên xem xét tăng theo từng năm, hiện chiếm 28% ngân sách chi thường xuyên và 20% ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố.

Tiến độ xây dựng trường lớp dù được quan tâm, song vẫn chưa bắt kịp với tốc độ tăng dân số cơ học ảnh hưởng đến việc quy hoạch mạng lưới trường lớp, đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Cùng với đó, đội ngũ giáo viên nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu số lượng và cơ cấu bộ môn theo yêu cầu của chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đề nghị TP.HCM quan tâm khắc phục một số hạn chế còn tồn tại như tỷ lệ giáo viên/lớp thấp hơn trung bình chung cả nước, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia chưa như mong đợi, tỷ lệ học sinh/trường cao so với trung bình chung cả nước. Nhiều địa phương thiếu quỹ đất xây trường, một số cơ sở giáo dục mầm non tư thục tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ...

Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, ngành GD-ĐT tập trung 3 mục tiêu quan trọng gồm: Xây dựng môi trường giáo dục tử tế, phát triển mô hình trường học hạnh phúc; Có giải pháp hài hòa giữa việc xây dựng trường học chất lượng cao, tiên tiến, hội nhập quốc tế nhưng vẫn đảm bảo công bằng, kéo giảm khoảng cách về chất lượng giữa các cơ sở GD-ĐT, đảm bảo các em ở TP đều được cung cấp môi trường và dịch vụ học tập tốt nhất; Phát triển chất lượng giáo dục theo hướng thực chất thông qua kiểm định chất lượng giáo dục và kết quả các kỳ thi của học sinh.

Năm học 2023-2024, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh 5 nhiệm vụ trọng tâm TP.HCM cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh gồm:

Đổi mới quản lý nhà nước về GD-ĐT theo hướng phân cấp, phân quyền, quản trị nhà trường theo hướng tinh gọn, hiện đại, minh bạch, tăng cường thực hiện dân chủ cơ sở.

Triển khai hiệu quả chương trình Giáo dục phổ thông 2018, rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp, quan tâm đổi mới phương pháp, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục.

Thực hiện linh hoạt, bố trí, sắp xếp giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu.

Đề ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường các điều kiện đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.

Tú Viên