‘Ái tình ngoài hôn nhân’ – Kịch nhưng rất đời
Văn hóa - Ngày đăng : 21:19, 21/08/2023
Sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần là địa chỉ quen thuộc của những người yêu kịch nói đậm chất Sài Gòn – Nam Bộ. Sau một thời gian dài chật vật vì đại dịch COVID-19 và nhiều yếu tố khách quan khác, sân khấu 5B đã lấy lại chỗ đứng của mình trong lòng khán giả để sáng đèn hằng đêm. Đây có thể nói là tín hiệu vui giữa lúc nghệ thuật diễn kịch của thành phố đang đối diện với nhiều khó khăn thách thức khi nhiều loại hình giải khác cũng đang nở rộ.
Trong nỗ lực giữ lửa cho nghệ thuật kịch nói Sài Gòn, các nghệ sĩ của sân khấu 5B Võ Văn Tần đã không ngừng tìm tòi đổi mới sáng tạo nhiều kịch bản hay, cách dàn dựng mới lạ độc đáo để thu hút khán giả. Từ nhiệt huyết đó, họ đã thành công với vở bi kịch Ái tình ngoài hôn nhân và nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả.
Ái tình ngoài hôn nhân mang đến cho người xem câu chuyện rất đời thường mà bất cứ ai cũng có thể thấy được bóng dáng của gia đình mình trong đó. Đặc biệt là những người phụ nữ đang gánh nặng trên vai trách nhiệm vô hình mang tên “thiên chức” làm mẹ, làm vợ.
Ngọc (NSƯT Mỹ Uyên đóng) là một phụ nữ có nhan sắc, cô thành công trong sự nghiệp và chú tâm làm tròn trách nhiệm của một người mẹ người vợ để xây dựng một gia đình ấm êm hạnh phúc. Nhưng đáp lại là sự lạnh nhạt thờ ơ của người chồng và những đứa con. Họ xem những việc làm của Ngọc là điều đương nhiên mà người phụ nữ nào cũng phải làm. Cô trở nên vô hình trong mắt chồng – ông Hoàng (nghệ sĩ Trọng Hiếu) và cả trong mắt hai người con Linh và Phong (diễn viên trẻ Phương Linh, Khánh Đăng). Sau đó, Ngọc được Yến (diễn viên Thu Hiền) một người bạn gợi ý, cô lao vào cuộc phiêu tình ái với Phát (nghệ sĩ Quốc Thịnh) - một doanh nhân giàu có.
Cuộc phiêu lưu tình ái của Ngọc và Phát sẽ dẫn đến sự đổ vỡ của 2 gia đình - cái kết ai cũng có thể đoán được. Tuy nhiên, quá trình đi đến kết cục bi thảm cho một cuộc tình ngoài hôn nhân lại đầy những nút thắt mà chỉ có người xem mới có thể cảm nhận hết được.
Sự xuất hiện “đơn độc” của dòng bi kịch trong thị trường kịch nói TP.HCM hiện nay có thể nói là sự mạo hiểm vì có thể rất kén khán giả... Tuy nhiên, có thể nói đây là vở kịch đáng xem vì nó được dàn dựng và biểu diễn bởi một dàn nghệ sĩ tài năng và đầy tâm huyết của sân khấu 5B Võ Văn Tần – nơi được mệnh danh là “cái nôi của sân khấu kịch nói Sài Gòn”.
Video chia sẻ của các nghệ sĩ về vở kịch:
Từ khi mở cửa trở lại năm 2018, một số vở diễn thể nghiệm đã được dựng mới, có thể kể đến như "Những giấc mơ lóng lánh" (đạo diễn Thái Kim Tùng), "Bên đàng dệt mộng" và "Duyên ai" (đạo diễn Quách Hồ Ninh), "Chuyện tình nữ phạm nhân" và vở “Chạy” (đạo diễn NSND Trần Minh Ngọc), "Công lý như mặt trời" (đạo diễn Chánh Trực)…
Sau một thời gian, dù vẫn tiếp tục đối mặt với khó khăn chung của sân khấu kịch nghệ, NSƯT Mỹ Uyên – Giám đốc Nhà hát vẫn quyết tâm đem trở lại những tác phẩm hấp dẫn về mặt thông điệp, nội dung; mạnh mẽ về diễn xuất nhưng phải có tính thể nghiệm, thoát ra khỏi những lề thói dàn dựng quen thuộc. Vai diễn ông Đồ Hồng (Lâm Thắng) là sáng tạo đáng ghi nhận của phiên bản dàn dựng này, một cách sân khấu hóa khái niệm thời gian, bắt buộc các nhân vật tự tìm lời giải cho bi kịch chính mình.