TP.HCM lắng nghe góp ý của doanh nghiệp Hàn Quốc để cải thiện môi trường đầu tư

Sự kiện - Ngày đăng : 20:45, 16/08/2023

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin, Nghị quyết 98 đã mở ra nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi cho TP.HCM thu hút đầu tư. Do vậy, doanh nghiệp Hàn Quốc có mong muốn đầu tư lĩnh vực nào có thể đặt ra để TP ghi nhận và có giải pháp hỗ trợ thực hiện.

Chiều 16.8, UBND TP.HCM và Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo TP và doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc năm 2023. Tại buổi đối thoại, một số DN Hàn Quốc nêu những khó khăn liên quan đến nội dung dự thảo sửa đổi quy định về hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ của Việt Nam.

Ông Choi Bun-do, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM) nêu các vướng mắc cần TP tháo gỡ về việc thực hiện các thủ tục hải quan liên quan đến "kế hoạch sửa đổi quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ"; về giấy phép lao động cho người nước ngoài; về việc chưa hoàn thuế GTGT; về phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

Trong đó, mối lo ngại lớn nhất của các DN dệt may và sản xuất chế tạo Hàn Quốc là những khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hải quan liên quan đến "kế hoạch sửa đổi quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ".

Về giấy phép lao động cho người nước ngoài, ông Choi Bun-do cho biết theo đề nghị của các DN FDI và hiệp hội các nước, việc sửa đổi Nghị định 152 của Chính phủ đang được thảo luận. KOCHAM đã nghiên cứu nội dung dự thảo sửa đổi và nhận thấy rằng vẫn còn tồn tại cần chỉnh sửa.

z4609132184372aec97f197da4c177e7be125b10b3f091-16921817859691787393366.jpeg
Quang cảnh hội nghị

Về phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, ông Choi Bun-do khẳng định việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ là điều hết sức cần thiết không chỉ đối với các DN Hàn Quốc mà còn đối với cả các DN Việt Nam.

Trong số 1.800 DN ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam, chỉ có khoảng 300 DN tham gia vào mạng lưới sản xuất của các công ty đa quốc gia. Điều này dẫn đến tình trạng các DN FDI, trong đó bao gồm cả DN Hàn Quốc, sau khi tiến vào thị trường Việt Nam không tìm được đối tác cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện phù hợp nên buộc phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ nước khác.

Việt Nam hiện đang ở thời điểm cần phải có một bước nhảy vọt từ giai đoạn chỉ cung cấp những nguyên vật liệu đơn giản lên một cấp độ cao hơn, nên việc đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam là một nhiệm vụ cấp bách đối. Vì vậy, Việt Nam nên xây dựng một kế hoạch cụ thể, hiệu quả và thiết thực.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, TP luôn nỗ lực trong việc tạo môi trường đầu tư, mọi điều kiện thuận lợi cho các DN đầu tư nước ngoài nói chung, DN Hàn Quốc nói riêng, hoạt động ổn định, lâu dài và hiệu quả tại TP. 

Những kiến nghị của DN nếu thuộc thẩm quyền của TP thì sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết ngay. Trường hợp vượt thẩm quyền như điều chỉnh quy định cấp phép người lao động nước ngoài, quy định mới về xuất nhập khẩu tại chỗ… thì TP sẽ cùng DN Hàn Quốc kiến nghị Chính phủ và bộ, ngành trung ương liên quan để sớm tháo gỡ.

Ngoài ra, Nghị quyết 98 đã mở ra nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi cho TP.HCM thu hút đầu tư. Do vậy, DN Hàn Quốc có mong muốn đầu tư lĩnh vực nào có thể đặt ra để thành phố ghi nhận và có giải pháp hỗ trợ thực hiện.

Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành như Sở Công Thương, Sở KH-ĐT, Cục Thế TP.HCM, Cục Hải quan TP.HCM cũng đã giải đáp các vướng mắc của DN Hàn Quốc. 

Tú Viên