Xây dựng và bảo vệ hình ảnh chính quyền trên không gian mạng

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 13:20, 12/08/2023

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho rằng cổng TTĐT không những là cầu nối chính quyền với người dân, doanh nghiệp, mà còn là đơn vị chủ lực trong thực hiện nhiệm vụ "xây dựng và bảo vệ hình ảnh của chính quyền trên không gian mạng".

Sáng 12.8, tại TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Cổng thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức “Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động cổng TTĐT các bộ, ngành năm 2023”.

Xây dựng, bảo vệ hình ảnh của chính quyền trên không gian mạng

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết cổng TTĐT của cơ quan nhà nước không những là tiếng nói, là cầu nối chính quyền với người dân và doanh nghiệp, mà còn là đơn vị chủ lực, trọng yếu trong thực hiện nhiệm vụ “xây dựng và bảo vệ hình ảnh của chính quyền trên không gian mạng”.

“Hiện nay cùng với cải cách hành chính, Chính phủ rất quan tâm đến hoạt động của các cổng TTĐT, đây là một nội dung quan trọng xây dựng và thực hiện truyền thông số, hướng đến thực hiện chính phủ số”, ông Sơn nói và cho biết truyền thông chính sách thời gian qua đã góp phần trong công tác xây dựng Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thông tin về các vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội…

Ông Sơn cho rằng trong một xã hội thông tin và mạng xã hội phát triển như hiện nay, vấn đề đặt ra là làm sao để tiếp tục phục vụ người dân ngày càng hiệu quả hơn. Qua đó khẳng định vai trò là địa chỉ tin cậy cung cấp thông tin chính thức, chính thống, tập trung của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; là cầu nối giao tiếp thông tin hai chiều giữa Chính phủ, giữa các bộ, ngành với người dân và doanh nghiệp, là diễn đàn của nhân dân...

son.jpg
Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động Cổng TTĐT các bộ, ngành năm 2023

Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng cổng TTĐT các cấp đã làm tốt chức năng đa dạng hóa các phương thức thông tin, đa nền tảng, nắm bắt được xu hướng thông tin, truyền tải kịp thời đến người dân và doanh nghiệp những quyết sách của Chính phủ.

“Chúng tôi nhận thấy cổng TTĐT các cấp đóng vai trò ngày càng quan trọng. Cổng TTĐT là phương thức duy nhất làm một lúc hai việc là vừa cung cấp thông tin vừa tương tác với người dân. Nhiều cổng TTĐT có lượng truy cập ngày càng tăng, có những mục, những chuyên trang vượt lên một số báo điện tử lớn”, ông Lâm nêu.

Hỏi trực tiếp bằng giọng nói

Theo đại diện Bộ TT-TT, trong tương lai gần có thể hỏi bằng giọng nói những vấn đề từ đơn giản đến phức tạp trên cổng TTĐT.

Ông Lâm cũng dẫn cho biết để tăng tương tác hơn, một số cổng TTĐT đã triển khai các hình thức tương tác mới, hướng tới khai thác dữ liệu. Điển hình như Bộ KH-ĐT thông tin về tình hình phát triển kinh tế xã hội thông qua dữ liệu.

“Đây là dữ liệu sống, cập nhật thường xuyên. Đây là nét mới, tương đối đột phá trong cách thức cung cấp thông tin đến người dân. Người dân có thể truy cập, tùy biến, sử dụng và đáp ứng nhu cầu của mình. Người dân có thể tiếp cận thông tin mà mình muốn, thay vì tiếp cận dữ liệu thông qua hình ảnh, thông tin, dữ liệu một chiều, ở dạng tĩnh như trước đây”, ông Lâm nói.

Ông Lâm cũng chia sẻ “chúng ta cũng đang đứng trước ngưỡng cửa của các công nghệ mới, cho phép tới đây người dân có thể tương tác với cổng TTĐT của các cơ quan nhà nước thông qua ngôn ngữ tự nhiên và nhận được câu trả lời dựa trên các dữ liệu từ trí tuệ nhân tạo”.

Nêu cụ thể hơn, Thứ trưởng Lâm cho biết người dân trong tương lai gần có thể hỏi bằng giọng nói những vấn đề từ đơn giản đến phức tạp trên cổng TTĐT của các cơ quan nhà nước.

Ví dụ như hỏi về quy định mới liên quan đến giấy phép xây dựng, hay phản hồi là tại sao tôi đã gửi hồ sơ 10 ngày rồi mà chưa trả lời. Những việc này sẽ dựa trên các giải pháp về trí tuệ nhân tạo, dựa trên các giao thức về ngôn ngữ tự nhiên. Chúng ta nhìn thấy các cơ hội, các cơ sở dữ liệu do chúng ta kiểm soát có thể đưa ra để đáp ứng nhu cầu giao tiếp và trả lời thông tin của người dân.

lam.jpg
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm

Ông Nguyễn Hồng Sâm, Tổng giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ, Tổng biên tập Báo điện tử Chính phủ chia sẻ một kinh nghiệm nữa là bên cạnh việc tuyên truyền trên các nền tảng truyền thống, cần chú trọng việc tổ chức truyền thông trên mạng xã hội.

“Tuy nhiên, việc sử dụng mạng xã hội cũng như "con dao hai lưỡi" đòi hỏi chúng ta phải làm chủ được công nghệ khi vận hành, nếu không rất dễ trở thành nạn nhân”, ông Sâm nói.

Ông Sâm cũng cho rằng “chúng tôi thực hiện phương châm thực hiện tất cả những phương tiện, công cụ mình có trong tay để truyền tải thông điệp, thông tin một các chính xác nhất, nhanh nhất đến với độc giả, đến với người dân. Hiệu quả nhìn thấy rõ ràng nhất là việc truyền thông trong giai đoạn phòng chống đại dịch COVID-19 vừa qua, hay trong truyền thông về phòng chống thiên tai, bão lũ”.

Ngoài ra, ông Sâm cũng cho rằng thông qua các nền tảng mạng xã hội giúp đưa thông tin từ cuộc sống đến cơ quan nhà nước, từ đó giúp các cơ quan này đưa ra các chỉ đạo, điều hành nhanh nhất, chính xác nhất. Điều quan trọng ở đây là cần kiểm soát các bình luận để tránh lan truyền thông tin tiêu cực qua các bình luận trên mạng xã hội.

Hoài Lam