Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát tình hình sạt lở ở ĐBSCL

Sự kiện - Ngày đăng : 23:22, 11/08/2023

Tối 11.8 tại Cà Mau, sau khi khảo sát thực tế tình sạt lở bờ sông và bờ biển, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với lãnh đạo 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nước ta là một trong 5 nước bị ảnh hưởng rất lớn do biến đổi khí hậu. Tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn rất nghiêm trọng, đặc biệt là ở các tỉnh ven biển. Nếu không khắc phục thì sạt lở sẽ còn nhanh hơn.

Đánh giá tình trạng sạt lở, xâm thực bờ sông, bờ biển, ảnh hưởng rừng ngập mặn là nghiêm trọng tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhất là các tỉnh ven biển, Thủ tướng yêu cầu, trước mắt, các địa phương phải chủ động hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ dân khu vực đang bị sạt lở (chỗ ở tạm, tái định cư).

Cùng với đó, chủ động di dời ngay các hộ dân ở khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở, tránh để bị động, bất ngờ dẫn tới thiệt hại tính mạng của người dân khi xảy ra sạt lở. Tiếp tục xử lý, khắc phục các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm để bảo đảm an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng quan trọng.

thu-tuong-pham-minh-chinh-3.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với 3 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng về tình hình sạt lở

Tại ĐBSCL, tỉnh Cà Mau là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng sạt lở. Hiện nay, tổng chiều dài các đoạn bờ biển của tỉnh Cà Mau bị sạt lở khoảng 187/254km. Theo số liệu thống kê của ngành lâm nghiệp, giai đoạn 2011 - 2021, sạt lở bờ biển đã làm mất đất và rừng phòng hộ với diện tích khoảng 5.250 ha (tương đương với diện tích bình quân một xã của tỉnh Cà Mau).

thu-tuong-pham-minh-chinh-2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Qua khảo sát, hiện nay tổng chiều dài các đoạn bờ sông bị sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở khoảng 425/8.118km sông, rạch trên địa bàn tỉnh; sạt lở bờ sông đã làm hư hỏng gần 28km đường giao thông và hàng trăm căn nhà, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến khu vực với diện tích hơn 3.700ha (bao gồm nhà cửa, tài sản, sản xuất của người dân và nhiều hạ tầng quan trọng khác). Nhiều địa phương nguy cơ sạt lở rất cao, phải tập trung gia cố rất tốn kém kinh phí.

Do quá trình sạt lở xảy ra mạnh và thường xuyên nên đường bờ biển bị dịch vào phía đất liền nhanh chóng, rừng ngập mặn và các công trình hạ tầng khác bị phá hủy; sự vận động tự nhiên của địa chất, địa mạo ven sông, ven biển đã gây ra tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng, sạt lở không những diễn ra vào mùa mưa, mà còn xuất hiện cả mùa khô.

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh phối hợp các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, thực sự cấp bách, ảnh hưởng tới tính mạng và tài sản người dân, nhất là tại bờ biển phía tây, lập dự án cụ thể, nghiên cứu, cân đối, bố trí nguồn lực, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để triển khai các dự án cần làm ngay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các địa phương về công tác phòng chống sạt lở phải giải quyết một số vấn đề cấp bách, đồng thời nghiên cứu giải pháp lâu dài. Trước mắt, các địa phương chủ động hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ dân ở khu vực sạt lở, nhất là khu vực sạt lở cao; di dời dân khu vực có nguy cơ cao, tránh để bị động, bất ngờ thiệt hại đến tính mạng và người dân khi xảy ra sạt lở; tiếp tục xử lý các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, đảm bảo an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng quan trọng.

Trần Khải