Đình công khiến sinh viên 140 trường đại học tại Anh chưa thể tốt nghiệp
Chuyển động - Ngày đăng : 22:55, 08/08/2023
Hafsa Yusuf lẽ ra đã tốt nghiệp vào tuần trước. Cô sinh viên ngành ngữ văn Anh đã chi đến 200 bảng Anh thuê lễ phục, chụp ảnh và mua vé cho gia đình đến dự lễ.
Nhưng khi chỉ còn 2 tuần đến ngày trọng đại, Đại học Queen Mary gửi thư điện tử thông báo Yusuf chưa thể tốt nghiệp vì giảng viên trên khắp nước Anh đình công. Giảng viên của khoảng 140 trường đại học tại Anh từ chối chấm bài thi và bài tập để đòi hỏi tăng lương cũng như cải thiện điều kiện làm việc.
Trong thời gian học tập, Yusuf và sinh viên tốt nghiệp năm 2023 gặp phải không ít gián đoạn. Họ vào đại học năm 2020 khi khắp nơi đều phong tỏa ngăn chặn COVID-19, sau đó hàng nghìn lao động Anh, trong đó có giảng viên, đình công và biểu tình yêu cầu được nhận mức lương cao hơn.
Giờ đây, hàng ngàn sinh viên từ Đại học Cambridge đến Đại học Edinburgh chưa thể tốt nghiệp hoặc chưa rõ lúc nào có điểm cuối kỳ vì đợt đình công mới nhất bắt đầu từ tháng 4.
Hiệp hội Đại học và Cao đẳng Anh ước tính hàng chục nghìn sinh viên không tốt nghiệp được vào mùa hè năm nay. Gián đoạn có thể kéo dài sang năm học tới.
Yusuf cho biết ít nhất 130 sinh viên khoa mình bị ảnh hưởng, nhiều người rơi vào tình cảnh mơ hồ vì không biết khi nào họ có thể đạt được điểm số cần thiết để xin việc hay học cao học.
Tình hình đặc biệt đáng lo với sinh viên nước ngoài. Những người hy vọng ở lại Anh tìm việc chỉ có thể nộp đơn xin thị thực sau tốt nghiệp sau khi họ nhận được bằng.
Yusuf nhận được bảng điểm, nhưng không rõ văn bản này có đủ để thay thế cho văn bằng đại học mà cô chưa có hay không.
Sinh viên Saja Altamimi thì chưa biết kết quả cuối cùng. Giáo sư phụ trách luận án không tham gia đình công, nhưng cô vẫn đang chờ điểm từ một số học phần.
Như nhiều sinh viên khác, Altamimi không giận giảng viên mà chê trách đội ngũ lãnh đạo nhà trường không nỗ lực thương lượng giải quyết tranh chấp hay yêu cầu từ phong trào đình công.
Hiệp hội Đại học và Cao đẳng Anh cũng đổ lỗi giới lãnh đạo các trường đem đến khó khăn cho sinh viên. Họ lập luận rằng các trường có đủ thu nhập thặng dư để tăng 10% lương cho nhân viên, nhưng lại từ chối làm vậy.
Theo giảng viên luật Tanzil Chowdhury (Đại học Tanzil Chowdhury): “Lương thực tế trong 10 năm qua của nhiều đồng nghiệp của tôi bị giảm 20 đến 25%. Mặc dù có vài lần tăng, mức tăng vẫn không theo kịp lạm phát”. Ông nói thêm phần lớn giảng viên tại Anh đang phải làm việc quá sức với những hợp đồng không đảm bảo.
Giảng viên Chowdhury thừa nhận phong trào đình công gây khó khăn cho sinh viên.
Hiệp hội Các nhà tuyển dụng đại học và cao đẳng (đại diện cho phía các trường đứng ra đàm phán) kiên quyết không tăng lương trong năm nay lẫn năm tới, tuy nhiên sẵn sàng thương lượng vài vấn đề khác như khối lượng công việc, loại hợp đồng lao động. Đơn vị này khẳng định phần lớn các trường đại học không bị ảnh hưởng, chưa đến 2% sinh viên chưa thể tốt nghiệp.