Apple Pay được vận hành tại Việt Nam thế nào?

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:45, 08/08/2023

Cơ chế thanh toán điện tử của Apple đã chính thức đi vào vận hành tại Việt Nam từ ngày 8.8.

Kể từ hôm nay (8.8), một số ngân hàng chính thức đem đến cho người dùng iPhone, iPad, Apple Watch hoặc Macbook tính năng thanh toán bằng Apple Pay.

Theo đó, những khách hàng sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ của ngân hàng gồm: ACB, MBBank, Sacombank, Techcombank, Vietcombank và VPBank đã chính thức được trải nghiệm tính năng thanh toán bằng Apple Pay tại Việt Nam.

apple-pay.jpg
Loạt ngân hàng triển khai phương thức thanh toán Apple Pay

Để sử dụng Apple Pay, người dùng chỉ cần thêm thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ của họ vào ứng dụng Wallet trên thiết bị Apple. Sau đó, họ có thể sử dụng Apple Pay để thanh toán bằng cách đưa thiết bị của họ vào máy POS không tiếp xúc.

Để kích hoạt Apple Pay, người dùng cần điện thoại từ iPhone 6 hoặc mới hơn, chạy hệ điều hành iOS 12.5.2 trở lên. Dịch vụ cũng hỗ trợ Watch Series 4 hoặc mới hơn nhưng cần cài đặt hệ điều hành tối thiểu là watchOS 9 và phải được ghép đôi với iPhone 8 trở lên.

Apple Pay là một phương thức thanh toán an toàn và bảo mật. Khi sử dụng Apple Pay, số thẻ của người dùng không được lưu trữ trên thiết bị hoặc máy chủ của Apple.

Theo thông báo từ hãng công nghệ Mỹ, Apple Pay ban đầu sẽ được hỗ trợ trong hệ thống WinMart, Phúc Long, Starbucks, McDonald’s, Highlands Coffee, CGV Cinemas và một số dịch vụ khác. Apple Pay cũng có thể sử dụng trong các ứng dụng và môi trường web.

Như vậy, tính cả Việt Nam, Apple Pay đã "phủ sóng" hơn 80 quốc gia trên toàn cầu. Tới đây, Chile sẽ là quốc gia tiếp theo có Apple Pay sau 2 năm đàm phán và thương lượng.

Sự ra mắt của Apple Pay tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển thị trường thanh toán điện tử của nước ta trong thời gian tới nhờ ưu điểm tiện lợi, an toàn và hiện đại.

Hiện nay, tốc độ tăng trưởng thanh toán kênh di động, kênh internet, mã QR tăng trưởng hàng năm đạt trên 100%.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 5 tháng đầu năm nay 2023 so với cùng kỳ năm 2022, giao dịch thanh toán qua phương thức QR code tăng tương ứng 151,14% về số lượng và tăng 30,41% về giá trị; qua POS tăng tương ứng 30,35% về giá trị.

Trong khi đó, giao dịch qua ATM giảm 4,62% về số lượng và 6,43% về giá trị, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, nhiều dịch vụ ngân hàng được thực hiện hoàn toàn trên kênh số với quy trình, thủ tục đơn giản, nhanh chóng.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm đào tạo (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho biết hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Việt Nam trong thời gian qua được đánh giá là bước vào giai đoạn bùng nổ. Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập với việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với nhiều dịch vụ số khác trong nền kinh tế, mang lại các trải nghiệm liền mạch và lợi ích to lớn cho người sử dụng dịch vụ trên không gian số.

Thời gian qua, việc triển khai các dịch vụ ngân hàng số nói chung của các tổ chức tài chính, trong đó có dịch vụ thanh toán điện tử đang có sự phát triển mạnh mẽ, mở rộng cả về quy mô và chất lượng.

Tuyết Nhung