Báo Trung Quốc viết về công nghệ sản xuất chip đột phá khi Mỹ sắp cấm bán nhiều thiết bị hơn

Thế giới số - Ngày đăng : 23:15, 02/08/2023

Truyền thông Trung Quốc đã đưa ra khả năng nước này có thể cung cấp máy in thạch bản 28 nanomet tự sản xuất trong nước đầu tiên vào cuối năm nay.

Đây sẽ là một bước đột phá lớn trong nỗ lực hướng tới tự cung tự cấp công nghệ của Trung Quốc trong bối cảnh Mỹ đang gia tăng các hạn chế xuất khẩu thiết bị chip.

Shanghai Micro Electronics Equipment (SMEE) dự kiến sẽ cung cấp SSA/800-10W, máy in thạch bản 28 nanomet độc quyền của mình, vào cuối năm 2023, theo bản tin trên Nhật báo Chứng khoán Trung Quốc. Thông tin này được xác nhận bởi các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, gồm cả Tân Hoa xã.

Nanomet đề cập đến chiều rộng giữa các bóng bán dẫn trên chip. Con số nanomet càng nhỏ thì chip càng cao cấp, nhưng cũng khó chế tạo hơn và tốn kém hơn.

SMEE không trả lời khi được đề nghị bình luận về chuyện trên.

Từ đầu năm 2020, đã có lời đồn đoán rằng SMEE, công ty được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn, sắp ra mắt máy quang khắc cực tím sâu (DUV) dựa trên công nghệ 28 nanomet vào cuối năm đó.

SMEE bị Bộ Thương mại Mỹ thêm vào danh sách đen thương mại (danh sách thực thể) hồi tháng 12.2022.

bao-trung-quoc-viet-ve-cong-nghe-san-xuat-chip-dot-pha.jpg
SMEE dự kiến sẽ cung cấp máy in thạch bản 28 nanomet độc quyền của mình vào cuối năm 2023 - Ảnh: Internet

Trung Quốc đang phụ thuộc một phần vào các DUV tiên tiến do ASML (Hà Lan) sản xuất. ASML là công ty cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới và là hãng công nghệ có giá trị thị trường lớn nhất châu Âu.

Từ năm 2019, ASML đã bị chính phủ Hà Lan cấm bán các máy in thạch bản cực tím (EUV) tiên tiến cho khách hàng Trung Quốc.

EUV được sử dụng bởi những gã khổng lồ trong ngành như TSMC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, có trụ sở ở Đài Loan), Samsung Electronics (hãng sản xuất chip nhớ số 1 thế giới của Hàn Quốc) và Intel (Mỹ) để sản xuất chip tiên tiến cho smartphone và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Việc giao các DUV của ASML cho Trung Quốc trong tương lai cũng trở nên không chắc chắn khi Hà Lan dự kiến ​​yêu cầu công ty này phải xin giấy phép để bán mẫu máy tinh vi nhất tới quốc gia châu Á từ ngày 1.9, gồm cả TWINSCAN NXT:2000i.

Nhật Bản, quê hương của các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip Nikon và Tokyo Electron, bắt đầu hạn chế xuất khẩu 23 loại thiết bị và vật liệu tiên tiến liên quan đến chip vào cuối tháng 7, bao gồm cả hệ thống in thạch bản.

Những động thái từ Hà Lan và Nhật Bản được hiểu rộng rãi là nỗ lực phối hợp với Mỹ, vốn đã áp đặt một vòng kiểm soát xuất khẩu sâu rộng vào tháng 10.2022 nhằm hạn chế việc công ty Mỹ như Lam Research và Applied Materials bán thiết bị sản xuất chip tiên tiến cho Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia.

Trụ sở và nhà máy ASML ở Veldhoven, Hà Lan. Ảnh: Bloomberg

Trong khi đó, Trung Quốc cũng có nguy cơ mất quyền tiếp cận các mẫu DUV cũ hơn của ASML.

Chính phủ Mỹ đã xem xét các quy định mới hạn chế vận chuyển thiết bị nước ngoài có một số lượng nhỏ các linh kiện Mỹ, chẳng hạn TWINSCAN NXT:1980Di của ASML, cho một số công ty Trung Quốc, theo hãng tin Reuters.

Zhang Xiaorong, Giám đốc tại Viện nghiên cứu Công nghệ Shendu, cho biết những quy định như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến các công ty Trung Quốc vì quốc gia này “chỉ có một mức độ tự cung tự cấp nhất định với các quy trình sản xuất chip trưởng thành”. Ông nói thêm rằng có “khoảng cách hơn 10 năm” giữa các dự án máy in thạch bản của Trung Quốc so với các công ty nước ngoài hàng đầu.

Được một số người coi là niềm hy vọng lớn nhất của Trung Quốc để tạo ra máy có thể sản xuất chip tiên tiến, SMEE đến nay có khả năng sản xuất hàng loạt máy in thạch bản ArF với độ phân giải 90 nanomet, có thể sử dụng để sản xuất chip cấp thấp hơn, chẳng hạn như quản lý năng lượng và chip tần số vô tuyến. Tuy nhiên theo Zhang Xiaorong, quy trình sản xuất đó phụ thuộc rất nhiều vào các vật liệu quan trọng từ nước ngoài.

Với những hạn chế chặt chẽ hơn của Mỹ, một số chuyên gia sản xuất chip tuyên bố rằng “toàn cầu hóa đã chết” tại hội nghị Semicon China ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) cuối tháng 6.

Wei Shaojun, Giám đốc Viện Vi điện tử của Đại học Thanh Hoa và là quan chức Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn Trung Quốc, cho biết Trung Quốc là nạn nhân lớn nhất của quá trình “phi toàn cầu hóa” trong ngành công nghiệp bán dẫn. “Khi toàn cầu hóa bị phá hủy, mô hình ngành công nghiệp có những thiếu sót lớn, vì Trung Quốc không thể hiện thực hóa việc phân bổ nguồn lực toàn cầu”, ông nói tại hội nghị.

Tuy nhiên, một số người hy vọng Trung Quốc có thể tìm ra một con đường khác phía trước. Han Di, Phó chủ tịch cấp cao của SMIC (nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc), nói nước này phải tìm ra những cách mới để tham gia vào chuỗi cung ứng xuyên biên giới.

Han Di nói: “Hình thức hợp tác công nghiệp truyền thống đang đối mặt với những thách thức và cơ hội mới”. Ông đề nghị Trung Quốc tập trung vào vật liệu và linh kiện chip, cũng như phát triển khả năng sản xuất chip tiên tiến.

Mỹ và châu Âu lo ngại việc Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất chip đời cũ, tìm cách kiềm chế

Các quan chức Mỹ và châu Âu ngày càng lo ngại việc Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất chip thế hệ cũ nên đang thảo luận về các chiến lược mới để ngăn chặn sự bành trướng của quốc gia châu Á này.

Tổng thống Mỹ - Joe Biden đã áp đặt các biện pháp kiểm soát rộng lớn để ngăn Trung Quốc tiếp cận các loại chip tiên tiến cung cấp sức mạnh cho mô hình trí tuệ nhân tạo và ứng dụng quân sự. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phản ứng bằng cách rót hàng tỉ USD vào các nhà máy để sản xuất chip thế hệ cũ chưa bị cấm. Những chip này vẫn cần thiết trong nền kinh tế toàn cầu, là thành phần quan trọng cho mọi thứ, từ smartphone, ô tô điện đến các phần cứng quân sự.

Điều này làm dấy lên những lo ngại mới về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc và dẫn đến cuộc đàm phán về việc kiềm chế quốc gia châu Á này nhiều hơn nữa, theo những người có thông tin về vấn đề đó nhưng yêu cầu giấu tên. Theo trang Bloomberg, nguồn tin này cho biết Mỹ quyết tâm ngăn chặn chip trở thành đòn bẩy cho Trung Quốc.

Gina Raimondo, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, ám chỉ vấn đề này trong cuộc thảo luận vào tuần trước tại Viện Doanh nghiệp Mỹ. Bà nói: “Trung Quốc đang đầu tư số tiền lớn trợ cấp cho việc sản xuất các loại chip trưởng thành và kế thừa (thế hệ cũ), tạo ra sự dư thừa về sản lượng. Đó là vấn đề chúng ta cần suy nghĩ và làm việc cùng các đồng minh để đối phó từ trước”.

Theo một quan chức cấp cao của chính quyền Biden, dù không có mốc thời gian để thực hiện hành động cụ thể và thông tin vẫn đang được thu thập, nhưng tất cả lựa chọn đều đang được cân nhắc. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ từ chối bình luận về chuyện trên. Trong khi người phát ngôn Ủy ban châu Âu cho biết cơ quan này sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình và đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc của khu vực này vào các công ty nước ngoài với cả chip trưởng thành lẫn tiên tiến.

Các chip tiên tiến nhất hiện nay được sản xuất bằng quy trình 3 nanomet. Các chip thế hệ cũ thường được sản xuất bằng quy trình 28 nanomet trở lên, công nghệ được giới thiệu cách đây hơn 1 thập kỷ.

Các quan chức Mỹ và châu Âu cấp cao ngại về nỗ lực thống trị thị trường chip thế hệ cũ của Trung Quốc vì cả lý do kinh tế và an ninh, nguồn tin của Bloomberg cho biết. Họ lo lắng các công ty Trung Quốc có thể bán phá giá các chip cũ trên thị trường toàn cầu trong tương lai, khiến các đối thủ nước ngoài ngừng kinh doanh chip cũ tương tự trong ngành năng lượng mặt trời. Các công ty phương Tây sau đó có thể trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc về các chip cũ này, theo nguồn tin của Bloomberg.

Mua các thành phần công nghệ quan trọng như vậy từ Trung Quốc có thể tạo ra các rủi ro an ninh quốc gia, đặc biệt nếu chip được sử dụng trong thiết bị quốc phòng.

Sơn Vân