Bị 'điểm danh' không báo cáo tiền công đức, chùa Ba Vàng nói gì?

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 12:52, 24/07/2023

Trước thông tin không báo cáo tiền công đức, chùa Ba Vàng cho rằng không nhận được văn bản cũng như không có đoàn kiểm tra nào đến chùa kiểm tra việc thu chi tiền công đức.

Chùa Ba Vàng phản hồi về thông tin "không báo cáo tiền công đức"

Bộ Tài chính vừa có báo cáo Chính phủ về kết quả thực hiện thí điểm kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023.

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy tổng số thu, chi tiền công đức, tài trợ tại các di tích năm 2022 là 70,8 tỉ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng), bằng khoảng 40 - 60% số thu công đức, tài trợ năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Tổng số chi là 54,4 tỉ đồng.

Còn trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng số thu là 61 tỉ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng), gần bằng số thu cả năm 2022. Còn tổng số chi là 29,4 tỉ đồng.

Bộ Tài chính cho biết có hơn 50 di tích, trong đó chùa Ba Vàng tại tỉnh Quảng Ninh, không có dữ liệu báo cáo.

lap-3.jpg
Nhiều chùa không báo cáo tiền công đức

Trước thông tin không báo cáo tiền công đức, chùa Ba Vàng cho rằng “không hề có một đoàn kiểm tra nào đến chùa Ba Vàng trực tiếp kiểm tra việc thu chi tiền công đức”, đồng thời chùa Ba Vàng cũng không nhận được bất kỳ văn bản nào yêu cầu nhà chùa phải nộp báo cáo thu chi tiền công đức.

Trao đổi với báo chí, bà Vũ Thị Hải Yến, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, nội dung thông tin chùa Ba Vàng không báo cáo về vấn đề thu, chi tiền công đức là Bộ Tài chính báo cáo dựa trên cơ sở báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh. Do đó, việc chùa Ba Vàng nói không được yêu cầu báo cáo là không đúng.

Theo chùa Ba Vàng, trước đó, ngày 23.5.2023, UBND TP.Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) đã có văn bản số 1574/UBND-TCKH về việc kiểm tra quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên địa bàn thành phố gửi Ban Trị sự chùa Ba Vàng.

Công văn nêu rõ, thành phố sẽ thành lập đoàn kiểm tra đối với các di tích lịch sử - hóa, đình chùa trên địa bàn trong đó có chùa Ba Vàng. Thành phố cũng đề nghị Ban Trị sự chùa Ba Vàng báo cáo nội dung quản lý tiền công đức tại chùa trước ngày 15.6.2023.

Trước phản hồi này, một lần nữa, chùa Ba Vàng khẳng định hoàn toàn không nhận được bất kỳ văn bản nào yêu cầu nhà chùa nộp báo cáo thu chi tiền công đức và không hề có bất kỳ chứng cứ nào về việc giao - nhận giữa chùa Ba Vàng và UBND TP.Uông Bí về “văn bản” mà bà Vũ Thị Hải Yến nói đến.

“Giả sử chùa Ba Vàng đã được giao - nhận “văn bản” đó nhưng không báo cáo thì tại sao UBND TP.Uông Bí không nhắc nhở, đôn đốc chùa Ba Vàng thực hiện? Cho đến nay, chùa Ba Vàng không hề được UBND TP.Uông Bí nhắc nhở, đôn đốc thực hiện văn bản nào liên quan đến báo cáo thu chi tiền công đức. Giả sử tại thời điểm này, nếu “văn bản” đó được công bố thì cũng là văn bản lần đầu tiên chùa Ba Vàng nhìn thấy và không phải chịu trách nhiệm vì chưa từng biết đến sự tồn tại của nó”, chùa Ba Vàng nêu.

lap-2.jpg
Chùa Ba Vàng phản bác thông tin của Bộ Tài chính

Vì vậy, chùa Ba Vàng khẳng định thông tin “chùa Ba Vàng không báo cáo tiền công đức” là thông tin hoàn toàn sai sự thật, gây hiểu nhầm.

Cần thiết giám sát thu chi tiền công đức

Thực tế, tiền công đức cho đền chùa, lễ hội hàng năm rất lớn, nhưng “dòng tiền không kiểm toán” này ở mỗi nơi quản lý một kiểu và dư luận lo ngại dễ xảy ra tình trạng lạm dụng. Các chuyên gia cho rằng cần thiết phải có sự giám sát dòng tiền này.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, luật sư Nguyễn Tiến Lập (Văn phòng NH Quang & Cộng sự) cho rằng chính quyền không quản lý mà đóng vai trò giám sát việc quyên góp, sử dụng mọi khoản tiền đóng góp tự nguyện của người dân vào chùa.

“Việc này tôi cho là cần thiết vì các chùa ở Việt Nam không phải là cơ sở tôn giáo biệt lập với thành viên khép kín (tạm gọi là Phật tử) mà là nơi đến tham quan, hành lễ của mọi người, tức địa điểm công cộng.

Theo đó, khi người ta đóng tiền (công đức hay tài trợ) là thực hành quyền dân sự về tặng - cho mà nhà chùa là bên nhận. Một khi hoạt động này có quy mô đủ lớn và thường xuyên thì chính quyền có trách nhiệm giám sát việc sử dụng tiền công khai, minh bạch và đúng mục đích; tránh sự lạm dụng và trục lợi cá nhân để bảo vệ quyền dân sự đó của người dân cũng như sự trong sạch của nhà chùa. Tiến tới, với những chùa có khoản thu lớn, Nhà nước còn cần thu thuế để bảo đảm sự công bằng”, ông Lập nói.

lap.jpeg
Luật sư Nguyễn Tiến Lập

Luật sư Lập cho hay, Nhà nước còn cấp đất cho Phật giáo và tư nhân xây chùa để hành lễ, làm du lịch và nhà chùa - trên thực tế cũng tham gia khá nhiều vào các việc đời khác. Do đó, việc Nhà nước giám sát thu chi tiền công đức cũng không phải "thế tục hóa cái thiêng".

Hoài Lam