Liên Hợp Quốc: Bom chùm không nên được sử dụng ở Ukraine
Quốc tế - Ngày đăng : 14:40, 22/07/2023
"Chúng tôi đã xem những báo cáo này, chúng rất đáng lo ngại. Như chúng tôi đã nói trước đây, những loại vũ khí này không nên được sử dụng", ông Dujarric nói trong một cuộc họp ngắn hôm 21.7.
Mỹ hôm 7.7 đã công bố gói hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine, trong đó có vũ khí bom chùm. Động thái này đã bị chỉ trích rộng rãi bởi các nhà hoạt động nhân quyền và bị một số nhà lập pháp Mỹ phản đối.
Washington thừa nhận các loại vũ khí này gây ra rủi ro ngày càng tăng đối với dân thường, nhưng tuyên bố Kyiv đã cam kết sử dụng một cách có trách nhiệm, tránh khu vực đông dân cư. Bom chùm bị cấm ở hơn 120 quốc gia, nhưng cả Ukraine, Mỹ và Nga đều không ký công ước về việc cấm sử dụng loại vũ khí nguy hiểm này.
Về phần mình, Tổng thống Vladimir Putin hôm 16.7 nói rằng Nga có quyền sử dụng các loại vũ khí tương tự nếu bom chùm được sử dụng để chống lại lực lượng của mình. Nước này còn rất nhiều bom chùm trong kho.
Mỹ xác nhận Ukraine đang sử dụng bom chùm
Trả lời báo giới hôm 20.7, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ông John Kirby xác nhận Ukraine đang sử dụng bom chùm do Washington cung cấp để đối phó với Nga một cách "hiệu quả" trong các hoạt động phản công.
"Phía Ukraine đang sử dụng bom chùm một cách phù hợp và hiệu quả, chúng thực sự có tác động đến các hoạt động phòng thủ của Nga", ông Kirby nói. Khi được hỏi Kyiv bắt đầu sử dụng bom chùm vào thời điểm nào, Kirby đoán rằng vào khoảng tuần trước.
Tờ Washington Post cùng ngày dẫn nguồn thạo tin tại Ukraine cho biết các lực lượng của Kyiv đã bắt đầu sử dụng đạn chùm để chống lại quân Nga ở chiến trường miền Nam, với mục tiêu xuyên phá hàng phòng thủ kiên cố của Moscow vốn đã làm chậm đà phản công của Ukraine.
Theo đó, bom chùm chủ yếu được sử dụng để phá hủy các chiến hào của Nga. Ngoài ra, lực lượng Ukraine cũng dự kiến sử dụng bom chùm ở khu vực gần Bakhmut.
Nga phản đối lệnh trừng phạt mới của Mỹ
Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 21.7 ra thông báo đã áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Nga. Lệnh trừng phạt liên quan gần 120 cá nhân và tổ chức nhằm ngăn chặn Moscow tiếp cận các thiết bị điện tử và hàng hóa khác hỗ trợ cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt mới này cũng nhắm tới việc làm giảm doanh thu của Nga từ lĩnh vực kim loại và khai thác mỏ, làm suy yếu khả năng năng lượng trong tương lai cũng như giảm khả năng tiếp cận của Nga với hệ thống tài chính quốc tế.
Vào ngày 20.7, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng đã trừng phạt thêm 5 ngân hàng Nga. Danh sách bao gồm các ngân hàng Tinkoff, Loko, ngân hàng Thương mại Xã hội St. Petersburg, Solidarnost và Unistream. Washington hy vọng việc này sẽ hạn chế khả năng tiếp cận của Moscow với hệ thống tài chính toàn cầu.
Bình luận về các biện pháp trực phạt bổ sung đối với Nga mới được công bố, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby khẳng định các chế tài này tiếp tục là một công cụ hiệu quả để đối phó Nga trong tương lai.
Phản ứng trước các động thái trên, Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov cho biết, phía Nga sẽ phản đối các lệnh trừng phạt mới của Mỹ, và rằng Washington sẽ không thể làm suy yếu Moscow.
"Chúng tôi lên án các biện pháp trừng phạt, chúng tôi coi chúng là bất hợp pháp. Những thay đổi mà Washington đang tìm kiếm trong chính sách trừng phạt chắc chắn sẽ thất bại. Những biện pháp trừng phạt này sẽ không mang lại kết quả mà những người muốn làm suy yếu nước Nga mong chờ", nhà ngoại giao Nga nói với hãng thông tấn TASS (Nga).
Theo ông Ryabkov, những hành động của Mỹ chỉ đang củng cố quyết tâm của Nga cả về mặt củng cố xã hội cũng như sẽ giúp Moscow đạt được tất cả các mục tiêu của hoạt động quân sự đặc biệt.