Dụng ý của Mỹ khi triển khai tàu ngầm đến Hàn Quốc

Quốc tế - Ngày đăng : 08:56, 22/07/2023

Hãng tin Reuters dẫn lời giới phân tích nhận định sự xuất hiện của tàu ngầm Mỹ tại Hàn Quốc tuần qua là lời nhắc nhở thẳng thừng rằng Washington luôn có tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đủ sức bắn đến CHDCND Triều Tiên.

Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) USS Kentucky cập cảng Busan ngày 18.7 và kết thúc chuyến thăm vào ngày 21.7. Phía Triều Tiên lập tức chú ý.

Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 20.7 tuyên bố sự xuất hiện của vũ khí như vậy tại Hàn Quốc đã đủ để nước này sử dụng vũ khí hạt nhân đáp trả, yêu cầu Washington không triển khai thêm bất cứ khí tài có năng lực hạt nhân nào nữa.

Đây là lần đầu tiên kể từ những năm 1980 một SSBN ghé thăm Hàn Quốc, trong bối cảnh vài năm gần đây nổi lên tranh luận Mỹ có nên chuyển giao hoặc cho Seoul phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật không.

uss.jpg
USS Kentucky đậu tại cảng Busan - Ảnh: Reuters

Triều Tiên luôn trong tầm bắn

Vì phải dựa vào hành tung bí mật cùng khả năng tàng hình để sống sót ngoài chiến trường và duy trì năng lực phóng tên lửa hạt nhân, SSBN Mỹ hiếm khi công khai ghé thăm cảng nước ngoài.

Chuyên gia vũ khí Vann Van Diepen (tổ chức nghiên cứu 38 North) cho biết SSBN là nền tảng vận chuyển có khả năng sống sót cao nhất trong tất cả số vũ khí hạt nhân Mỹ, về cơ bản đảm bảo năng lực trả đũa hạt nhân áp đảo trong trường hợp kẻ thù tấn công trước.

Hải quân Mỹ hiện sở hữu 14 SSBN. Một tàu ngầm lớp Ohio như USS Kentucky đủ sức đem theo 20 tên lửa Trident II D5. Mỗi tên lửa có thể mang 8 đầu đạn hạt nhân tấn công mục tiêu cách xa 12.000 km.

“SSBN ở bất kỳ đâu trên bờ biển phía tây của Mỹ đều tấn công được mục tiêu ở Triều Tiên. Vì vậy vài SSBN Mỹ luôn đặt Triều Tiên trong tầm bắn”, theo chuyên gia Diepen.

Triều Tiên có đội tàu ngầm đông đảo nhưng già cỗi với nhiệm vụ chính là bảo vệ bờ biển. Nước này đang tìm cách phát triển kho vũ khí cho tàu ngầm của mình.

Nhiều vụ phóng thử tên lửa từ tàu ngầm đã được thực hiện. Từ năm 2016 Bình Nhưỡng còn đóng một tàu ngầm thông thường mới.

Chuyên gia Diepen khẳng định Triều Tiên còn lâu mới đủ khả năng đóng tàu ngầm hạt nhân tầm hoạt động không giới hạn. Một tàu ngầm mới chỉ là bổ sung không đáng kể cho lực lượng hạt nhân trên đất liền.

Cựu thuyền trưởng tàu ngầm Hàn Quốc Choi Il cho biết: “Trên thực tế Mỹ - Hàn đang tiến hành chia sẻ hạt nhân. Sự xuất hiện của USS Kentucky ở cảng Busan cho chúng ta biết rằng tàu ngầm đã hoạt động ở vùng biển xung quanh bán đảo Triều Tiên và ngay cả khi tàu rời khỏi, khí tài hạt nhân Mỹ vẫn luôn được triển khai ở vùng biển gần đó”.

Cẩm Bình