Cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng bày tỏ sự ăn năn khi đã ‘mắc sai lầm nghiêm trọng’
Sự kiện - Ngày đăng : 21:00, 21/07/2023
Chiều muộn 21.7, HĐXX TAND TP.Hà Nội tuyên bố kết thúc phần tranh luận, chuyển sang phần nghị án. Trước khi HĐXX vào nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng.
Nhận thức sai phạm, vô cùng hối lỗi
Là người đầu tiên nói lời sau cùng, bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) trình bày: “Đứng trước tòa, tôi vô cùng đau đớn, tủi hổ”.
Theo lời cựu Thứ trưởng, ông được sinh trưởng và nuôi dưỡng trong gia đình có truyền thống cách mạng, bố mẹ mất sớm nên khi lớn lên, bản thân tự thân lập nghiệp. Bị cáo luôn ghi nhớ lời căn dặn của bố mẹ làm sao sống tốt; và trong suốt 30 năm công tác tại Bộ Ngoại giao, ông Dũng cho biết luôn tâm niệm điều đó, luôn cố gắng để sống tốt với mọi người.
“Trong quá trình công tác, tôi không bao giờ có bất cứ ý nghĩ gì về việc chạy chọt, không bao giờ có một ý tưởng tơ hào tiền của Nhà nước cũng như đồng nghiệp”, ông Dũng nói.
Khi dịch COVID-19 xảy ra, cựu Thứ trưởng cho biết đã hết sức nỗ lực, đóng góp một phần nhỏ bé để công tác phòng chống dịch tốt nhất; trong đó có ngoại giao về công tác bảo hộ công dân. Dịch xảy ra vô cùng khủng khiếp tại các địa bàn như Nhật Bản, Malaysia, nhưng cũng vào giai đoạn xuất hiện hình thức chuyến bay giải cứu thì bị cáo có sai lầm nghiêm trọng.
Quá trình xét xử, bị cáo Dũng bày tỏ sự ăn năn và khẳng định không có động cơ, không có mục đích gây khó dễ cho các doanh nghiệp hoặc để thu lợi. “Bị cáo nhận thức được sai phạm của mình, vô cùng hối lỗi và đã tự nguyện, tích cực hợp tác với CQĐT, trao đổi với gia đình để khắc phục hết hậu quả”, ông Dũng nói.
Trước HĐXX, cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng gửi lời xin lỗi nhân dân vì sai phạm của mình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, chủ trương, chính sách nhân văn của Nhà nước; mong HĐXX xem xét toàn diện bối cảnh xảy ra vụ án, cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng.
Ngoài ra, ông Dũng cũng mong VKS, HĐXX cho các bị cáo là đồng nghiệp của mình được hưởng khoan hồng…
“Một tòa án lương tâm sẽ phán xét bị cáo trong suốt cuộc đời”
Đứng trước bục khai báo, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) nói rằng cảm thấy rất đau xót và hối hận. Nữ bị cáo cho biết sau 27 năm cống hiến và làm việc tại Bộ Ngoại giao, bà luôn theo đuổi nguyên tắc sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, làm việc vì lợi ích của nhân dân, tập thể, lợi ích của quốc gia, dân tộc, chưa bao giờ có tư tưởng vụ lợi cá nhân.
Nhưng bà Lan rất chua xót bởi những nhận thức chưa đầy đủ của bản thân về việc nhận quà và tặng quà nên phải đứng trước HĐXX. Mặt khác, theo lời cựu Cục trưởng, thực tế có nhiều doanh nghiệp thực hiện các chuyến bay combo không cần gọi điện cho bị cáo nhưng Cục Lãnh sự vẫn kiến nghị các cấp để phê duyệt các chuyến bay cho doanh nghiệp.
“Bị cáo hối hận vì đã đồng ý gặp đại diện 8 doanh nghiệp do quá nể nang. Bị cáo hối hận vì đã không đủ bản lĩnh để vượt qua được những lời nói, sự khéo léo của đại diện các doanh nghiệp đến gặp, nói chuyện và tặng quà”, bà Lan phân trần và cho hay đã nhận ra việc nhận quà là sai trái, xin nhận lỗi và mong muốn được sửa chữa.
"Phiên tòa này sẽ kết thúc nhưng sẽ có một phiên tòa khác, một tòa án lương tâm sẽ phán xét bị cáo trong suốt cả cuộc đời", bị cáo Lan nói.
Cuối phần trình bày, bà Lan cho biết gia đình mình rất neo người, có mẹ già và hai con nhỏ, từ ngày bị cáo bị bắt, gia đình không có người trụ cột. Biết mình đã có tội với nhân dân, Nhà nước nhưng bị cáo Lan vẫn tha thiết mong HĐXX mở lượng khoan hồng để cho bị cáo có cơ hội sớm trở về chăm sóc mẹ già và các con.
“Bị cáo không muốn bị rời khỏi cuộc sống này”
Đang là người bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế) khi nói những lời sau cùng, một lần nữa Kiên xin nhận tội trước HĐXX về hành động sai trái của mình.
“Đây sẽ là bản án rất nghiệt ngã cho gia đình và cuộc đời bị cáo. Bị cáo không muốn bị rời khỏi cuộc sống này trong khi bị cáo mới chỉ hơn 40 tuổi”, ông Kiên nói và gửi lời xin lỗi tới gia đình, những người thân.
Bị cáo Kiên cũng mong HĐXX xem xét đến bối cảnh phạm tội khi trong thời điểm dịch bệnh COVID-19, công việc buộc ông thường xuyên phải di chuyển, rất vất vả. Cuối phần trình bày, ông Kiên nhiều lần bật khóc, mong HĐXX xem xét đến gia cảnh khi hiện nay bố đẻ bị cáo là thương binh chiến trường trở về, bố vợ cũng là thương binh, bị tai biến, mẹ vợ bị ung thư…
Trước đó, trong phần luận tội, đại diện VKS đã đề nghị xử phạt Phạm Trung Kiên mức án tử hình về tội “Nhận hối lộ”.
Theo đối đáp của VKS, hành vi đưa - nhận tiền của các bị cáo được diễn ra xuyên suốt trong một thời gian dài, giai đoạn từ đầu năm 2020 đến tháng 1.2022. Đây là giai đoạn Chính phủ có văn bản tạm thời ngừng cấp phép các chuyến bay thương mại do dịch COVID-19; do đó, các doanh nghiệp phải làm thủ tục xin cấp phép các chuyến bay để đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước.
VKS cho biết trước đó, phần lớn các bị cáo đưa - nhận hối lộ không quen biết nhau, không có mối quan hệ công việc, làm ăn hay góp vốn kinh doanh gì với nhau, không thể có những món quà “cảm ơn” có giá trị “tiền tỉ” như vậy. Việc hứa hẹn giữa người đưa hối lộ và người nhận hối lộ là “ngầm định”.
Hành vi của các bị cáo nhận hối lộ đã gián tiếp buộc doanh nghiệp đưa hối lộ phải nâng cao giá vé máy bay và các chi phí khác để bù đắp vào việc “bôi trơn” của doanh nghiệp. Người phải chịu thiệt thòi ở đây là những công dân Việt Nam ở nước ngoài đang gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát mong muốn được về nước.