Sôi động ‘chợ đen’ bán chip Mỹ tại Trung Quốc

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:18, 21/07/2023

Straits Times ghi nhận “chợ đen” bán chip đồ họa Mỹ cao cấp tại Trung Quốc vô cùng sôi động, trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ giữa hai nước ngày càng leo thang.

Một lượng ít chip A100 và H100 do Nvidia sản xuất - mặc dù đã bị Mỹ cấm xuất khẩu vào năm ngoái - vẫn được bán rộng rãi trên các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc.

Các sản phẩm chip như vậy được sử dụng trong nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), có giá hơn 10.000 USD và ngày càng được săn đón tại Trung Quốc kể từ sau khi chatbot ChatGPT bất ngờ nổi tiếng toàn cầu. Quốc gia này muốn tạo ra phiên bản chatbot của riêng mình.

Hoạt động mua bán ngầm dường như càng phát triển mạnh khi Mỹ được cho là đang cân nhắc hạn chế xuất khẩu chip cao cấp hơn nữa. Cuộc chiến công nghệ không có dấu hiệu hạ nhiệt.

screenshot-2023-07-21-103124.png
Chip đồ họa Nvidia cao cấp được Trung Quốc săn đón - Ảnh: CNBC

Mỹ cùng đồng minh và đối tác như Hà Lan, Nhật Bản thống trị loạt mắc xích quan trọng của chuỗi cung ứng chip. Thời gian gần đây, họ thắt chặt việc chuyển giao công nghệ quan trọng cho Trung Quốc.

Nhưng Straits Times phát hiện không ít chip đồ họa cao cấp được rao bán trên nhiều nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc (từ Xiaohongshu đến Pinduoduo, JD.com) mặc dù có giá cao hơn cùng chính sách bảo hành đáng ngờ.

Một người bán có địa chỉ IP ở Thượng Hải báo giá Nvidia A100 là 125.000 nhân dân tệ (hơn 20.000USD). Mẫu A800 - phiên bản A100 bị hạ hiệu suất để bán cho Trung Quốc mà không vi phạm hạn chế của Mỹ - hiện có giá 108.000 nhân dân tệ.

Một người bán khác ở Quảng Đông cho biết: “Không có đại lý được ủy quyền nào bán mẫu A100. Chỉ có người bán đứng ra bảo hành mà thôi”.

Chip đồ họa Nvidia là sản phẩm đứng đầu ngành, được sử dụng trong máy tính xách tay, trung tâm dữ liệu, ô tô. Nhờ AI bùng nổ trên toàn cầu mà giá trị thị trường của công ty vượt mốc 1.000 tỉ USD vào tháng 5 vừa qua.

Người bán ở khu chợ điện tử Hoa Cường Bắc (Thẩm Quyến) chào mời chip sản xuất trong nước khi được hỏi về Nvidia A100. Họ nói với Straits Times rằng sử dụng A100 có rủi ro không được bảo hành nếu sản phẩm gặp vấn đề, mua chip nội địa an toàn hơn, nhưng đồng thời họ cũng thừa nhận sức mạnh xử lý của chip nội địa không bằng A100 dù nhiều khách hàng cảm thấy chúng đủ tốt.

Ngành chip biến động

Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung khiến ngành chip trải qua biến động lớn. Chuỗi cung ứng dần tái định hình: nhiều iPhone mới được sản xuất tại Ấn Độ thay vì Trung Quốc, đơn vị sản xuất chip số 1 thế giới TSMC sang Mỹ xây nhà máy.

Theo Giám đốc điều hành Công ty Stats ChipPAC (chuyên cung cấp dịch vụ thử nghiệm và đóng gói chip) Chiou Lid Jian, cuộc chiến công nghệ làm thay đổi mô hình toàn cầu hóa tận dụng thế mạnh của nhiều quốc gia và để quy luật kinh tế điều chỉnh tồn tại hàng chục năm nay. Ngành chip chắc chắc sẽ bị gián đoạn.

Nhà phân tích Walter Kuijpers (Công ty kiểm toán KPMG) cho biết, ngày nay năng lực bán dẫn được nhận định có mối liên hệ chặt chẽ hơn với an ninh lẫn thịnh vượng kinh tế quốc gia, thúc đẩy xu hướng quốc gia hóa thay thế toàn cầu hóa. Ông dự báo biến động sẽ tập trung ở công nghệ cao cấp, còn năng lực sản xuất cấp thấp cùng linh kiện chi phí thấp vẫn dựa vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Triển vọng chip Trung Quốc

Giám đốc Viện nghiên cứu Đông Á (Singapore) Bert Hofman nhận định trong ngắn hạn Trung Quốc khó lòng sản xuất được chip cao cấp, vì thiết bị cùng công nghệ liên quan vô cùng phức tạp.

Giáo sư Joseph Liow (Đại học Công nghệ Nam Dương) lưu ý rằng Trung Quốc đang đổ rất nhiều tiền cho nỗ lực tự chủ về chip, sớm muộn gì nước này cũng sẽ đạt được đột phá.

Cẩm Bình