Nhiều dự án khởi nghiệp đáng khích lệ ở Hậu Giang
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 15:30, 17/07/2023
Cà phê dừa của cô gái trẻ Hậu Giang
Vào những ngày diễn ra sự kiện Marathon Hậu Giang 2023, tại Trung tâm triển lãm của TP.Vị Thanh cũng diễn ra hội chợ thương mại OCOP. Trong hàng loạt gian hàng trưng bày tại đây, nhiều người ấn tượng với không gian trưng bày và tiếp thị sản phẩm cà phê dừa Hồng Nhiên của cô gái hơn 20 tuổi.
Trần Hồng Nhiên, chủ gian hàng đồng thời là chủ cơ sở sản xuất Hồng Nhiên, chia sẻ rằng cô có ý tưởng khởi nghiệp và muốn tìm tòi, sáng tạo những sản phẩm độc đáo. Nhiên đã tìm cách kết hợp dừa rang với cà phê nguyên chất để cho ra sản phẩm cà phê dừa. "Các sản phẩm của tôi không sử dụng chất tạo màu, tạo mùi hay hương liệu hóa học", Nhiên khẳng định.
Hiện nay, cơ sở cà phê dừa của Hồng Nhiên có 4 nhân công và sản xuất hoàn toàn bằng thủ công. Mỗi ngày cơ sở cho ra lò 50 - 60kg cà phê dừa.
Hồng Nhiên cho biết thêm, hiện sản phẩm của cơ sở đã lên sàn giao dịch và có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Cô hy vọng trong tương lai, các sản phẩm do mình sáng tạo ra sẽ có mặt nhiều trên thị trường.
Các sản phẩm từ sữa dê
Xã Tân Hòa, huyên Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang có một cơ sở chăn nuôi dê và chế biến sữa dê Ngọc Đào khá đặc biệt.
Anh Nguyễn Văn Đua, chủ cơ sở cho biết, năm 2013 anh ra riêng và được ba mẹ cho 3.000m2 đất nông nghiệp. Anh và vợ gom vốn ra tận trại giống dê ở Ba Vì để mua 12 con dê cái và 3 con dê đực về lập nghiệp. Sau 10 năm, trang trại của gia đình anh Đua đã có hơn 400 con dê lấy sữa, cùng hơn 15.000m2 đất vừa thuê vừa mua để phát triển đàn dê và cho du khách tham quan.
Từ sản phẩm sữa dê, anh Đua đã chế biến ra sữa dê tươi tiệt trùng, phô mai, sữa chua, sữa dê sấy... Sản phẩm sữa dê Ngọc Đào của vợ chồng anh được tiêu thụ rộng rãi trong nước thông qua kênh phân phối online.
Anh Đua cho biết trang trại gia đình anh hiện đang phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Đất trống thì anh trồng mít, chuối, cỏ... và dùng phân dê để bón. Dưới ao thì anh nuôi cá tai tượng và cá tra. Chuối và mít khi thu hoạch nếu có giá cao anh Đua sẽ bán ra thị trường, còn nếu giá thấp thì anh cho dê và cá ăn.
Khi được hỏi về những khó khăn hiện nay khi phát triển sản phẩm OCOP, anh Đua chia sẻ: “Về vốn, thị trường và nhân lực thì tôi không ngại. Tôi chỉ lo sản phẩm sữa từ đàn dê không đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường do đàn dê phát triển có hạn”.
Và nhiều sản phẩm khác tạo ra từ nguyên liệu địa phương
Ngoài 2 cơ sở mới kể trên, Hậu Giang còn có nhiều mô hình khởi nghiệp sáng tạo ấn tượng như: dự án xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp kinh tế tuần hoàn "Nấm rơm - trùn quế - bò - thủy sản - gia cầm - phân hữu cơ - rau xanh" của Lữ Thị Nhật Hằng hay sản phẩm "thịt" thực vật từ cây mít giúp cải thiện sức khỏe cho người tiêu dùng của Cao Thị Cẩm Nhung.
Ngoài ra, còn phải kể đến mô hình sản xuất rau mầm khí canh không giá thể, tận dụng phụ phẩm rau mầm nuôi vịt xiêm trên sàn của Nguyễn Văn Thẳng; sản xuất dầu gội dược liệu từ nguồn dược liệu thiên nhiên, thân thiện với môi trường của Đặng Thị Kim Ngọc...
Tỉnh Hậu Giang đã phát động phong trào khởi nghiệp sáng tạo, có trung tâm hỗ trợ “Khởi nghiệp sáng tạo”, tổ chức hội thi và có tổng kết. Vào cuối tháng 6, vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Hậu Giang lần III năm 2023 đã diễn ra. Ban tổ chức đã chọn được 20 ý tưởng, dự án trong tổng số 124 ý tưởng dự thi.
Những ý tưởng mang đến dự thi lần này phần lớn được xây dựng từ sản phẩm địa phương như: mít, dừa, khóm, lục bình, gạo sạch, rau sạch... Với cách nghĩ khác, làm khác để khởi nghiệp, các thí sinh đã tạo ra các sản phẩm đẹp mắt, độc đáo nhưng rất an toàn cho người tiêu dùng. Đặc biệt, các ý tưởng, dự án lần này hướng đến sự tham gia của cộng đồng, gắn kết phát triển du lịch, phát triển kinh tế tuần hoàn...
Tại chung kết cuộc thi, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho rằng: “Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo luôn được sự quan tâm của tỉnh. So với 2 cuộc thi trước, chất lượng cuộc thi năm nay có nhiều cải thiện về hình thức và nội dung, hàm lượng sáng tạo cao hơn, dự án tiềm năng khả thi hơn, đặc biệt là ứng dụng công nghệ vào ý tưởng khởi nghiệp. Với phương châm “Đột phá - Đổi mới - Quyết tâm - Khát vọng”, lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ luôn sát cánh, đồng hành và chia sẻ trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi để ý tưởng trở thành dự án kinh doanh đạt hiệu quả”.