Vì sao Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ‘quay xe’ chính sách đối ngoại?

Góc nhìn - Ngày đăng : 13:50, 13/07/2023

Hãng tin Reuters dẫn lời giới phân tích nhận định loạt động thái đi ngược lại chính sách đối ngoại bấy lâu nay của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nhằm mục đích giải cứu nền kinh tế quốc gia.

Nhiều năm qua, quan hệ tốt đẹp giữa Tổng thống Erdogan với người đồng cấp Nga Vladimir Putin ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - phương Tây. Nhưng đến ngày 10.7 ông lại bất ngờ đồng ý chuyển đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển cho Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua dù trước đó liên tục phản đối.

Quyết định này được được giới lãnh đạo phương Tây vốn đang tìm cách củng cố liên minh hoan nghênh. Tổng thống Erdogan cũng tuyên bố ủng hộ Ukraine gia nhập NATO.

Tuần trước Thổ Nhĩ Kỳ còn trao trả 5 chỉ huy tiểu đoàn Azov cho Ukraine. Phía Nga chỉ trích làm vậy vi phạm thỏa thuận trao đổi tù nhân, phàn nàn rằng họ chẳng được thông báo gì.

Theo thỏa thuận trao đổi tù nhân Nga - Ukraine do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào tháng 9 năm ngoái, số chỉ huy tiểu đoàn Azov bị Nga bắt làm tù binh phải ở lại Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi chiến sự kết thúc.

Giới phân tích nhận định loạt động thái mới nhất của Tổng thống Erdogan không phải ngẫu hứng. Học giả Galip Dalay (Viện Chatham House) cho biết: “Vài năm gần đây có nhận thức rằng quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Nga đã đi quá xa. Tình hình này đòi hỏi phải tái cân bằng”.

Ông chỉ ra một trong những động lực chính thúc đẩy Tổng thống Erdogan là trọng trách đưa đất nước thoát khỏi suy thoái kinh tế và khôi phục đầu từ nước ngoài. Mối quan hệ căng thẳng với phương Tây khiến kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ gặp khó, dòng vốn đầu tư cạn kiệt. Dù đã bắt đầu thu hút đầu tư từ các nước Ả Rập vùng Vịnh nhưng họ vẫn cần nhiều hơn nữa.

vierdogan.jpg
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan - Ảnh: Reuters

Cân bằng giữa phương Tây và Nga

Một ngày sau khi Tổng thống Erdogan “bật đèn xanh” cho Thụy Điển gia nhập NATO, Mỹ thông báo xúc tiến bàn giao chiến đấu cơ F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2021 nước này tuyên bố muốn mua F-16 cùng gần 80 bộ trang bị nâng cấp phi đội máy bay chiến đấu hiện có.

Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cấp cao nói với Reuters rằng họ sẽ không làm tổn hại quan hệ với Nga trong khi vẫn cải thiện quan hệ với phương Tây, đồng thời nhấn mạnh phương Tây cần hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ về mặt tài chính.

Quan hệ tốt đẹp giữa Tổng thống Erdogan với người đồng cấp Nga thể hiện rõ qua thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen do Thổ Nhĩ Kỳ cùng Liên Hợp Quốc đứng ra làm trung gian. Tuy nhiên Moscow nhiều lần đe dọa không gia hạn.

Hạn chót sắp tới là ngày 17.7. Điện Kremlin ngày 10.7 tuyên bố hiện tại Tổng thống Putin không có kế hoạch gặp Tổng thống Erdogan thảo luận chuyện gia hạn.

Thổ Nhĩ Kỳ rất quan trọng với Nga vì Tổng thống Erdogan từ chối hưởng ứng loạt trừng phạt phương Tây áp đặt. Các chuyến bay và hoạt động thương mại song phương vẫn được duy trì, Thổ Nhĩ Kỳ là khách hàng mua khí đốt Nga.

Nga cũng là đối tác thương mại và nguồn thu nhập du lịch chính của Thổ Nhĩ Kỳ, đang đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại nước này.

Trước thềm bầu cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tháng 5, Nga cho phép hoãn thanh toán số khí đốt nhập khẩu trị giá 4 tỉ USD, giúp giảm bớt áp lực cho dự trữ ngoại tệ đang cạn kiệt của Thổ Nhĩ Kỳ.

Điện Kremlin mới đây tuyên bố sẽ phát triển quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp mọi bất đồng. Theo người phát ngôn Dmitry Peskov: “Thổ Nhĩ Kỳ có thể nghiêng về phương Tây. Chúng tôi biết trong lịch sử nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ từng có giai đoạn nghiêng mạnh về phương Tây cũng như có giai đoạn ít hơn. Nhưng chúng tôi cũng biết người châu Âu không muốn thấy người Thổ Nhĩ Kỳ ở châu Âu. Đối tác Thổ Nhĩ Kỳ không nên mang lăng kính màu hồng”.

Nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ bị đóng băng suốt từ năm 2005 đến nay. Giới phân tích tin rằng ngoài việc được miễn thị thực, Tổng thống Erdogan còn muốn có thỏa thuận thương mại chặt chẽ hơn với EU ngay cả khi tư cách thành viên là viễn cảnh quá xa vời.

Cẩm Bình