Thêm một trường hợp tử vong do mắc thủy đậu tại Hà Nội
Thông tin Y học - Ngày đăng : 13:40, 11/07/2023
PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận một trường hợp mắc thủy đậu được chuyển từ bệnh viện tuyến dưới tới Trung tâm Bệnh Nhiệt đới. Bệnh nhân mắc thủy đậu biến chứng nặng và đã tử vong vào ngày 7.7.
Nữ bệnh nhân T.M (28 tuổi, ở Sơn Tây, Hà Nội) là dược sĩ bán thuốc tư nhân. Trước khi mắc thủy đậu khoảng 1 tháng, bệnh nhân mắc viêm cầu thận lupus, điều trị nội trú tại bệnh viện và mới ra viện được 10 ngày. Sau đó, bệnh nhân đau nhiều ở vùng thắt lưng và cột sống nên đã vào Trung tâm Thận - Tiết niệu (Bệnh viện Bạch Mai) điều trị với chẩn đoán viêm thận lupus, đau lưng cấp.
Theo bác sĩ Cường, sau khi điều trị 2 ngày, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có nốt phỏng nước ở mặt, sau đó lan xuống ngực, bụng. Bệnh nhân được chuyển tới Trung tâm Bệnh Nhiệt đới để tiếp tục điều trị. Tình trạng thủy đậu của bệnh nhân khá nặng, có chảy máu bên trong nốt phỏng ở vùng đầu mặt, nửa thân trên, trong niêm mạc miệng có các điểm trợt chảy máu, các vị trí lấy máu tiêm truyền có hiện tượng chảy máu khó cầm. Sau khi làm các xét nghiệm và thăm khám cần thiết, bệnh nhân được chẩn đoán bị thủy đậu không rõ nguồn lây.
Ngày 7.7, bệnh nhân bắt đầu có hiện tượng trở nặng như thở gắng sức, vận mạch leo thang, phải đặt ống nội khí quản. Các bác sĩ giải thích cho gia đình tiên lượng tử vong là rất cao. Đến khoảng 9 giờ 20 phút cùng ngày, sau 3 tiếng đặt ống nội khí quản, bệnh nhân mạch chậm dần, khó bắt, huyết áp không đo được, sau đó tử vong tại viện vào lúc 9 giờ 23 phút.
Trước đó, bệnh viện cũng cấp cứu một nam bệnh nhân (32 tuổi) với chẩn đoán mắc thủy đậu có biến chứng viêm phổi, suy gan. Sau nhiều ngày điều trị, bệnh nhân có biểu hiện sốt kèm theo các triệu chứng suy đa phủ tạng, hôn mê, xuất huyết não, có tổn thương tim, đông đặc phổi.
Sau đó, bệnh nhân được chuyển sang Trung tâm Bệnh truyền nhiễm theo dõi. Một ngày sau, bệnh nhân chuyển biến xấu, các dấu hiệu sinh tồn giảm nên gia đình xin đưa về và bệnh nhân đã tử vong tại nhà. PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường cho biết đây là trường hợp đáng tiếc vì bệnh nhân còn trẻ.
Trong một tháng trở lại đây, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận nhiều trường hợp bị thủy đậu. Bác sĩ Cường khuyến cáo người lớn cũng không nên chủ quan với căn bệnh này.
Nhận diện triệu chứng bệnh thủy đậu
Thủy đậu là bệnh lành tính nhưng cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt phỏng, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời. Cách tốt nhất là phòng bệnh bằng tiêm vắc xin, đặc biệt là nhóm người có nguy cơ cao như suy giảm miễn dịch, nhiễm HIV, người có bệnh nền.
Về mặt bệnh học, PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường cho biết, thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do vi rút Varicella zoster (VZV) gây ra. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp, do đó đa số trường hợp người khỏe mạnh nhiễm thủy đậu là do tiếp xúc với người bệnh thông qua không khí như hít phải những giọt nước bọt bắn ra ngoài khi bệnh nhân ho, hắt hơi, hay tiếp xúc chất dịch từ mụn nước.
Bệnh thường gặp ở trẻ em hoặc ở người trưởng thành nếu chưa được tiêm phòng vắc xin. Người lớn nếu không có miễn dịch khi tiếp xúc với người bệnh cũng dễ bị lây và có xu hướng nặng hơn trẻ em. Nhiều nghiên cứu cho thấy, có khoảng 90% người chưa có miễn dịch thủy đậu sẽ mắc bệnh nếu tiếp xúc với người bệnh.
Bệnh thủy đậu có thể lây nhiễm trong khoảng thời gian từ 1-2 ngày trước khi xuất hiện mụn nước, cho đến lúc các mụn nước khô lại và bong tróc vảy. Ngoài ra, bệnh thủy đậu còn có thể lây truyền từ mẹ sang con. Phụ nữ mang thai bị thủy đậu có thể lây truyền cho thai nhi qua nhau thai hoặc lây sau khi sinh nở.
Bệnh thủy đậu thường xảy ra rải rác quanh năm, nhưng xuất hiện nhiều vào dịp đông xuân. Thời gian ủ bệnh thường từ 2 đến 3 tuần. Sau ủ bệnh, bệnh bắt đầu giai đoạn khởi phát với những biểu hiện của thủy đậu thường gặp như: sốt, đau đầu, mệt mỏi, phát ban. Ở giai đoạn toàn phát, triệu chứng thường là sốt cao, đau đầu, chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn, đau cơ. Điển hình là xuất hiện những mụn nước với đường kính 1 - 3mm xuất hiện toàn thân, tập trung nhiều ở mặt, thân mình rồi lan ra toàn thân, thậm chí xuất hiện cả trong niêm mạc miệng, gây ngứa rát, khó chịu cho người bệnh.
Nếu không có biến chứng, giai đoạn hồi phục bệnh thủy đậu thường sau 7 - 10 ngày. Khi đó, các vết mụn nước sẽ khô dần, bong vảy, da thâm và khỏi lâu sẽ trở lại bình thường không để lại sẹo. Trong giai đoạn này, việc vệ sinh cơ thể cần đặc biệt chú trọng, tránh để nhiễm trùng nốt phỏng dẫn đến sẹo.
PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh, các bệnh nhân có miễn dịch yếu, đang dùng thuốc corticoid, thuốc điều trị ung thư, đang xạ trị khi mắc thủy đậu sẽ dễ chuyển nặng và biến chứng. Ngoài ra, với những trường hợp khỏe mạnh cũng không nên chủ quan. Khi mắc bệnh cần đến cơ sở y tế để bác sĩ có chuyên môn chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Theo PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường, cách phòng ngừa bệnh thủy đậu hiệu quả hiện nay là tiêm phòng vắc xin. Trẻ có thể bắt đầu tiêm phòng từ 12 tháng tuổi hay bất kỳ ở lứa tuổi nào sau đó khi có điều kiện. Đối với phụ nữ khi có kế hoạch sinh con, nên tiêm phòng thủy đậu trước khi có thai ít nhất là 3 tháng.
"Hiện vắc xin phòng bệnh có sẵn, trẻ nhỏ, người lớn hoàn toàn có thể tiêm phòng theo hướng dẫn. Tuy nhiên, có thể vì chủ quan hoặc vì giá cả vắc xin đắt đỏ (khoảng 700.000 đồng/liều) nên nhiều người trì hoãn không tiêm, điều này là rất nguy hiểm", PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường cảnh báo.