Thí sinh chú ý đến tiêu chí phụ của trường ĐH và chia nguyện vọng thành 3 nhóm

Giáo dục - Ngày đăng : 11:02, 10/07/2023

Theo Bộ GD-ĐT, từ ngày 10.7 đến 17 giờ ngày 30.7, thí sinh cả nước sẽ chính thức đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT.

Chia nguyện vọng thành 3 nhóm để đạt tỷ lệ tuyệt đối khi xét tuyển

Hiện nay, nhiều trường ĐH đã công bố điểm trúng tuyển với các phương thức xét tuyển sớm. Tuy nhiên, các em học sinh vẫn phải bắt buộc đăng ký nguyện vọng trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.

Đưa ra lời khuyên cho thí sinh trong việc đăng ký nguyện vọng, PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết các thí sinh nên để nguyện vọng có khả năng đỗ cao nhất làm nguyện vọng 1 và đăng ký tất cả những nguyện vọng có cơ hội đỗ theo thứ tự ưu tiên để tăng tỉ lệ trúng tuyển, tránh trường hợp trượt oan. 

Ngoài ra, khi muốn thay đổi ngành học, sau khi vào trường thí sinh có cơ hội đăng ký các lớp tiến tiến chất lượng cao với khoảng 12 - 15 ngành đào tạo và học song song 2 chương trình khi hết năm thứ 1 và đạt yêu cầu theo quy định. Các em học sinh cần tập trung để tìm hiểu thông tin cẩn thận về ngành học và trường mình sẽ học trong thời gian tới. Ngoài sở thích với ngành học thì bản thân học sinh sẽ phải đáp ứng được lịch học và tín chỉ học đối với từng ngành học tại các trường ĐH.

thi-lop-10-2023-6.jpg
Các thí sinh cần chú ý đến tiêu chí phụ của các trường ĐH để tránh trượt oan

"Các học sinh nên chia nguyện vọng thành 3 nhóm: nhóm cao hơn khả năng, nhóm ngang bằng khả năng và nhóm thấp hơn khả năng để tăng tỷ lệ trúng tuyển. Mỗi nhóm, thí sinh nên đăng ký nhiều nguyện vọng, được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Với cách đăng ký như vậy, khả năng trúng tuyển vào trường của thí sinh gần như tuyệt đối" - ông Triệu chia sẻ.

Đưa ra quan điểm riêng của mình, bà Nguyễn Thanh Hiền - Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết các thí sinh cần chú ý đến các tiêu chí phụ tại các trường để tránh trượt oan. Ví dụ hiện nay trường dành 85% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sớm. Hiện nay đã có hơn 1.600 hồ sơ đủ điều kiện, nên nhà trường áp dụng tiêu chí phụ là thứ tự nguyện vọng đăng ký của thí sinh trên hệ thống của Bộ GD-ĐT. "Rút kinh nghiệm từ năm ngoái, các thí sinh đôi khi quên mất không đọc các trường có áp tiêu chí phụ hay không nên các bạn rất chủ quan. Hãy nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của trường đại học để biết các trường có áp dụng tiêu chí phụ hay không", bà Hiền cho hay. 

Năm nay, để tránh sự nhầm lẫn phương thức khi đăng ký xét tuyển trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT, thí sinh sẽ chỉ phải chọn mã trường, chọn phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT 2023 hoặc phương thức xét tuyển khác. Vì vậy, với các phương thức xét tuyển sớm, thí sinh cần cẩn trọng, theo sát các mốc thời gian tuyển sinh từng trường để đảm bảo quyền lợi. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, nhiều thí sinh đã không để ý tới tiêu chí phụ này, dẫn tới bị “trượt oan”. Vì thế, các thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của trường đại học để biết các trường có áp dụng tiêu chí phụ hay không. Các thí sinh cũng cần cẩn trọng, theo sát các mốc thời gian tuyển sinh từng trường để đảm bảo quyền lợi.

Các thí sinh cần lưu ý để điền đúng thông tin

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), thí sinh cần hết sức lưu ý để điền đúng thông tin, nếu điền nhầm thông tin có thể dẫn đến sai sót mà hệ thống vẫn ghi nhận sẽ ảnh hưởng đến kết quả trúng tuyển sau này. Thí sinh nên in ra danh sách nguyện vọng thay vì xem trên hệ thống để kiểm tra chính xác hơn. Trên hệ thống của Bộ có mục để thí sinh kiểm tra các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm.

thi-thpt-2023-24.jpg
Thí sinh cần lưu ý các mốc thời gian, thông tin từng ngành học

Thực tế, có những trường hợp trong quá trình nhập dữ liệu có những sai sót dẫn đến thông tin trúng tuyển sớm của thí sinh chưa có trên hệ thống. Nếu rơi vào trường hợp này, thí sinh cần liên hệ với trường để kịp thời xử lý, tránh mất quyền lợi đáng tiếc. Những thí sinh khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, quên đánh dấu vào mục số 9 của phiếu đăng ký (sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển đại học) cần quay về nơi đăng ký dự thi để được hỗ trợ xử lý. Bởi trong trường hợp này, thí sinh không được tham gia chọn nguyện vọng trên hệ thống dù xét tuyển theo phương thức nào.

Sau khi đăng ký nguyện vọng, hệ thống hiện lên dòng chữ “nguyện vọng đã được ghi nhận” và thí sinh nghĩ rằng đã hoàn thành việc đăng ký. Tuy nhiên, thí sinh vẫn cần thực hiện thêm một bước xác nhận bằng số điện thoại đến tổng đài, nhận mã và nhập mã vào hệ thống thì mới chính thức hoàn tất quy trình đăng ký.

Theo các chuyên gia giáo dục, năm nay một số ngành "hot" đã xấp xỉ 30 điểm, tức tầm 28-29 điểm, những ngành này khó tăng điểm chuẩn trong năm nay. Bên cạnh đó, đề thi năm nay phân hóa mạnh, tức thí sinh đạt được 9-10 điểm rất khó còn phổ điểm trung bình khá sẽ nhiều. Với đề thi như vậy, mức điểm chuẩn 23-25 điểm sẽ rất nhiều và điểm chuẩn đại học năm nay tương đương năm ngoái hoặc tăng một chút.

Bộ GD-ĐT cũng lưu ý, đối với những thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm vẫn phải tiếp tục đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng trên hệ thống của Bộ để được xử lý theo quy trình toàn quốc, từ đó mới có kết quả trúng tuyển cuối cùng. Nếu không đăng ký trên hệ thống, thí sinh được xem đã từ bỏ quyền trúng tuyển vào ngành, trường đó. Khi đã có tên trong danh sách đủ điều kiện trúng tuyển phương thức xét tuyển sớm, được các cơ sở đào tạo đưa lên hệ thống, nếu thí sinh lựa chọn và muốn chắc chắn trúng tuyển ngành đó, thí sinh cần đăng ký ngành đó vào nguyện vọng 1.

Liên quan đến việc lựa chọn ngành, trường học trong đăng ký xét tuyển, nhiều chuyên gia tuyển sinh nhấn mạnh: Trong giai đoạn “nước rút” đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng, thí sinh cần một lần nữa cân nhắc để chọn đăng ký vào học ngành, trường phù hợp năng lực học tập, sự yêu thích của bản thân cũng như khả năng, điều kiện sức khỏe, tài chính của thí sinh và gia đình.

Hiện nay, thế giới nghề nghiệp rất phong phú, mỗi ngành, trường, các bậc học, hệ đào tạo đều có những yêu cầu và lợi thế khác nhau nên thí sinh cần tìm hiểu kỹ, tránh “chọn đại” hay “chọn tạm”, sau đó khi vào học mới nhận ra bản thân không phù hợp với ngành, trường về năng lực học tập, điều kiện sức khỏe khỏe hay tài chính của gia đình. Các Sở GD-ĐT đang tích cực triển khai công tác chấm thi đảm bảo chất lượng, theo đúng tiến độ thời gian, tuân thủ đúng đáp án của Bộ GD-ĐT. Theo kế hoạch, kết quả thi tốt nghiệp sẽ được công bố vào 8 giờ ngày 18.7.

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung