Chính phủ Pháp muốn có quyền chặn MXH và truy cập vào ĐTDĐ để kiềm chế biểu tình
Thế giới số - Ngày đăng : 17:50, 09/07/2023
Tổng thống Pháp - Emmanuel Macron nói chính phủ của ông cần có thẩm quyền chặn các phương tiện truyền thông xã hội để kiềm chế các cuộc biểu tình. Các nhà làm luật Pháp cũng đang xem xét một biện pháp giám sát mới bị một số nhà phê bình gọi là độc đoán.
Sau khi cảnh sát Pháp bắn chết một thanh niên 17 tuổi gốc Bắc Phi vào ngày 27.6, các cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp đất nước này, có nơi đã trở thành bạo lực. Người biểu tình đã đốt cháy ô tô và các tòa nhà. Cảnh sát đã bắt giữ hàng ngàn người.
Trước sự việc trên, những người chỉ trích nói rằng chính phủ do Tổng thống Emmanuel Macron đứng đầu chuyển hướng chính sách theo cách độc đoán.
Đầu tiên, trong cuộc gặp với các thị trưởng vào ngày 4.7, Tổng thống Pháp đề nghị chính phủ cần có thẩm quyền để điều chỉnh hoặc chặn các nền tảng truyền thông xã hội trong các cuộc biểu tình lớn.
Người phát ngôn Chính phủ Pháp sau đó tuyên bố ông Emmanuel Macron có thể chỉ đề nghị chặn một số chức năng nhất định trên các nền tảng truyền thông xã hội, chẳng hạn như bản đồ Snapchat, để hạn chế khả năng tổ chức tụ tập của người biểu tình, tờ Washington Post đưa tin.
Đến ngày 5.7, các nhà làm luật Pháp đã ủy quyền cho cảnh sát giám sát các nghi phạm bằng cách truy cập GPS, máy ảnh và microphone trên thiết bị di động của họ với sự cho phép từ thẩm phán, tờ Le Monde đưa tin. Biện pháp này là một phần của dự luật lớn hơn về cải cách tư pháp đang được Quốc hội Pháp thông qua.
Theo Le Monde, biện pháp này làm dấy lên "những lo ngại nghiêm trọng về việc vi phạm các quyền tự do cơ bản".
Trong khi đó, Eliska Pirkova, nhà phân tích chính sách cấp cao tại tổ chức vận động cho quyền kỹ thuật số Access Now, gọi đề xuất chặn mạng xã hội là "một đòn giáng mạnh vào nền dân chủ", theo Washington Post.
Cả các nhà làm luật cánh tả và cánh hữu đều mô tả các bình luận về việc chặn phương tiện truyền thông xã hội của Tổng thống Macron là "phản dân chủ". Ngay cả các thành viên trong đảng Phục hưng của ông này cũng gọi chính sách đang được đề xuất này là sai lầm, Washington Post đưa tin.
Theo Washington Post, chưa có quốc gia châu Âu nào chặn hoàn toàn bất kỳ phương tiện truyền thông xã hội, nhưng Tây Ban Nha, Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine đã đặt giới hạn cho việc sử dụng chúng.
Ở những nơi khác trên thế giới, việc kiểm duyệt mạng xã hội đã tăng lên những năm gần đây.
Theo Tổ chức theo dõi nhân quyền, Nga đã gây áp lực rất lớn với các công ty truyền thông xã hội hoạt động tại nước này để kiểm duyệt các bài đăng mà quan chức chính phủ cho là "bất hợp pháp". Những bài viết đó bao gồm cả lời kêu gọi biểu tình.
Việc cảnh sát có quyền truy cập vào dữ liệu định vị địa lý và camera trực tiếp cũng là vấn đề đang được thảo luận trong lĩnh vực chính sách số tại Mỹ.
Trong khi một vụ kiện lên Tòa án tối cao Mỹ vào năm 2018 đã giới hạn khả năng cảnh sát sử dụng dữ liệu vị trí mà không có sự giám sát của thẩm phán, tờ báo Wall Street Journal đưa tin chính phủ liên bang có thể né tránh lệnh này bằng cách mua dữ liệu người dùng từ các công ty tiếp thị. Ví dụ, vào tháng 2.2020, Bộ An ninh nội địa Mỹ đã thu thập dữ liệu vị trí từ các ứng dụng ĐTDĐ để sử dụng trong việc kiểm soát việc nhập cư trái phép và an ninh biên giới.
Cảnh sát Mỹ cũng đang sử dụng các camera riêng như Ring của Amazon để giám sát. Hồi tháng 11.2022, thành phố San Francisco (Mỹ) đã ban hành lệnh cho phép cảnh sát được yêu cầu quyền truy cập vào nguồn cấp dữ liệu trực tiếp từ camera an ninh gia đình có kết nối internet, theo tờ New York Times.
Pháp phản pháo quan chức EU bình luận về bạo loạn
Hôm 5.7, ông Didier Reynders, Ủy viên Tư pháp Liên minh châu Âu (EU), nói rằng việc Pháp chứng kiến mức độ bạo lực rất cao những năm gần đây, trong đó có phong trào biểu tình áo vàng, biểu tình phản đối cải cách lương hưu và bạo loạn sau vụ một thiếu niên bị cảnh sát bắn chết, là "đáng kinh ngạc".
Didier Reynders cũng so sánh chính sách của cảnh sát Pháp với nước láng giềng Bỉ, cho rằng "có lẽ nên dựa nhiều vào phòng ngừa hơn là đối đầu trực tiếp".
"Điều đó thực sự cần được xem xét", Didier Reynders nói.
Sau đó, bà Laurence Boone, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp, cho rằng Didier Reynders đã "đi quá giới hạn".
"Tôi rất ngạc nhiên vì việc duy trì trật tự công cộng không phải nhiệm vụ của EU", Laurence Boone tuyên bố. Bà cho biết thêm rằng những sự kiện như đã thấy kể từ khi thiếu niên 17 tuổi bị cảnh sát bắn chết hôm 27.6 không phải chỉ xảy ra ở Pháp.
"Chúng ta cần nỗ lực để ổn định tình hình, thay vì những bình luận nhỏ mọn từ người không có chức trách trong vấn đề này", Laurence Boone nói thêm và nhấn mạnh rằng báo cáo của EU về pháp quyền đã ghi nhận "tiến bộ đạt được ở Pháp".
Nahel M., thiếu niên 17 tuổi gốc Algeria, bị cảnh sát bắn chết khi rồ ga bỏ chạy. Viên cảnh sát nổ súng bị cáo buộc giết người và đang chờ xét xử. Laurent-Franck Lienard, luật sư của bị cáo này, cho rằng thân chủ của ông nhận định tình huống khi đó bắt buộc phải nổ súng.
Sự việc đã châm ngòi cho những cuộc biểu tình, sau đó là bạo loạn, cướp phá trên khắp nước Pháp. Medef, liên đoàn lao động lớn nhất nước Pháp, ngày 4.7 cho hay 200 cơ sở kinh doanh bị cướp phá, 300 chi nhánh ngân hàng và 250 cửa hàng thuốc lá bị phá hoại, gây thiệt hại 1,1 tỉ USD, từ khi các cuộc bạo loạn bùng phát từ ngày 27.6. Con số này chưa bao gồm thiệt hại với trường học, tòa thị chính và trung tâm cộng đồng.
Bạo loạn làm nổi bật các vấn đề căng thẳng kéo dài của nạn phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng, đặc biệt tại các khu dân cư đa sắc tộc, đồng thời tạo thêm thách thức cho Tổng thống Emanuel Macron sau khi ông hứng chịu nhiều chỉ trích vì thông qua luật tăng tuổi nghỉ hưu ở Pháp hồi tháng 4.