Con người khiến cho Đại Tây Dương và Thái Bình Dương khó dung hòa với nhau
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 10:00, 03/07/2023
Các bức ảnh trên mạng cho thấy thứ trông giống như một đường phân chia giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương với màu nước khác nhau ở hai bên, nhưng liệu có một loại rào cản nào đó phân chia hai đại dương hay không?
Một số video trên YouTube và TikTok đã thu hút được nhiều lượt thích bằng cách hiển thị một đường kẻ phân chia kỳ lạ trên đại dương, với một bên là vùng nước sẫm màu và một bên là vùng nước sáng.
Đường kẻ như thế này thường xuất hiện ở những nơi cửa sông hoặc sông băng đổ nước vào đại dương. Nhưng tác giả của những video này cũng tuyên bố rằng đó là đường thể hiện ranh giới giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Sau đó, họ sử dụng điều này làm "bằng chứng" để khẳng định rằng hai đại dương có sự khác biệt không chịu hòa trộn với nhau.
Nhưng điều này có thực sự đúng không? Nadin Ramirez, nhà hải dương học tại Đại học Concepcion ở Chile cho biết: "Câu trả lời ngắn gọn là các vùng nước liên tục hòa trộn nhau". Tuy nhiên, sự hòa trộn giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương có tốc độ khác nhau ở những nơi khác nhau và biến đổi khí hậu thực sự có thể đang thay đổi tốc độ đó.
Hãy tưởng tượng xem khi rót kem hòa tan vào ly cà phê: Các chất lỏng trộn đều, nhưng từ từ. Đó gần giống với những gì đang xảy ra trong các bức ảnh thể hiện ranh giới giữa các vùng nước biển khác nhau. Một mặt, nước có thể mặn hơn, sạch hơn hoặc lạnh hơn; phải mất thời gian để những khác biệt đó được san bằng.
Để tăng tốc mọi thứ, hãy tưởng tượng bạn phải khuấy mạnh ly cà phê. Khi đó, kem hòa tan nhanh hơn nhiều. Đó là những gì xảy ra trong đại dương với gió mạnh và sóng lớn.
Thái Bình Dương và Đại Tây Dương hòa trộn nhanh hơn ở một số nơi so với những nơi khác. Hai đại dương gặp nhau gần cực nam của Nam Mỹ, nơi có một số hòn đảo nhỏ. Giữa các hòn đảo đó là eo biển Magellan nổi tiếng.
Theo Ramirez, nơi eo biển đó đổ ra Đại Tây Dương, có một đường kẻ trông hơi giống đường kẻ trong các video trên YouTube. Ramirez nói: "Bạn có thể nhìn thấy một dải nước màu xanh ở Đại Tây Dương. Nước đó trông khác vì nó bắt nguồn từ Thái Bình Dương, nơi có nhiều mưa hơn nên ít mặn hơn. Nhưng dải nước đó chỉ có sự khác biệt trong một thời gian và sau đó, bão và sóng làm mờ ranh giới".
Trong vùng biển giữa Nam Mỹ và Nam Cực, ranh giới giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương có địa hình đáy biển gồ ghề. Ở vùng được gọi là eo biển Drake thường có những con sóng lớn, có thể cao tới 18 mét. Điều đó thúc đẩy sự pha trộn.
Nước cũng hòa trộn ở bên dưới sâu đại dương. Casimir de Lavergne, nhà nghiên cứu tại Đại học Sorbonne và Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) cho biết thủy triều hằng ngày kéo nước qua lại đáy biển gồ ghề đã tạo ra nhiều sóng và gió.
Nhưng dòng nước từ các nguồn khác nhau cũng có thể di chuyển quanh đại dương mà không bị hòa trộn nhiều. Ramirez giải thích rằng đại dương "giống như một chiếc bánh với nhiều lớp khác nhau, các lớp đó là nước". Các lớp này, có các đặc tính khác nhau dựa trên nguồn gốc của nước. Ở lớp giữa, cách xa cả bề mặt và đáy biển, nước hòa trộn chậm hơn vì vùng đó ít nhiễu loạn.
Các nhà nghiên cứu đại dương phân biệt giữa hòa trộn và trao đổi nước. Sự hòa trộn có nghĩa là "các vùng nước bị biến đổi không thể đảo ngược". Điều đó giống như khi kem nhạt hòa vào cà phê đậm, nó được trộn hoàn toàn khi toàn bộ ly đồ uống chuyển sang cùng màu.
Mặt khác, theo Casimir de Lavergne, "có thể trao đổi khối lượng nước mà không nhất thiết gây ra bất kỳ sự hòa trộn thực sự nào về đặc tính của chúng". Ví dụ nhờ các dòng hải lưu toàn cầu, Thái Bình Dương và Đại Tây Dương trao đổi nước liên tục.
Một dòng chảy mạnh quanh Nam Đại Dương (hay còn gọi là Nam Băng Dương) quanh Nam Cực kéo nước theo chiều kim đồng hồ từ Thái Bình Dương đến Đại Tây Dương qua eo Drake. Một dòng hải lưu khác di chuyển nước từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương và vòng qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi để đưa nước vào Đại Tây Dương.
Nước luôn hòa trộn ở rìa của những dòng chảy này. Nhưng vì các lớp khác nhau không trộn lẫn hoàn toàn nên các nhà hải dương học có thể theo dõi các dòng nước khác nhau khi chúng di chuyển trên toàn cầu. Giờ đây, De Lavergne cho biết, biến đổi khí hậu do con người gây ra đang làm chậm lại những dòng chảy này. Ông nói: "Có vẻ như nó đã bắt đầu, đặc biệt là xung quanh Nam Cực. Nước lạnh, mặn chìm xuống, tăng tốc và cung cấp năng lượng cho các dòng chảy hướng bắc. Nhưng các cực đang nóng lên. Nước ấm hơn, ít mặn hơn do băng tan chảy nên không chìm xuống nhiều như trước. Vì vậy quá trình trao đổi nước sẽ chậm lại”.
Theo De Lavergne, tốc độ hòa trộn nước “dường như cũng đang chậm lại”. Đó là bởi vì khi các dòng biển khác nhau nhiều hơn, chúng sẽ mất nhiều thời gian hơn để khuếch tán. Khi các tảng băng tan chảy, sự khác biệt về mật độ giữa nước bề mặt và nước sâu ngày càng tăng.
Những thay đổi này dự kiến sẽ biến đổi cách các đại dương luân chuyển oxy và chất dinh dưỡng, đồng thời tác động đến đời sống sinh vật biển. Nhưng các đại dương sẽ không bao giờ ngừng hẳn hòa trộn hoặc trao đổi nước. Chừng nào còn có gió và thủy triều thì sẽ có dòng chảy và sự hòa trộn giữa các đại dương.