Doanh nghiệp chế biến chế tạo kiến nghị cung cấp đủ điện để không gián đoạn sản xuất

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 16:30, 29/06/2023

Các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo kiến nghị đảm bảo ổn định năng lượng, cung cấp đủ điện cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) liên tục, không bị gián đoạn.

Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) vừa công bố điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh (SXKD) hàng quý, bao gồm 6.500 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và 5.300 doanh nghiệp ngành xây dựng được chọn mẫu điều tra.

Dự báo tươi sáng hơn cho quý 3

Đánh giá của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động SXKD quý 2/2023 khởi sắc hơn quý 1/2023 với 64,2% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD quý 2/2023 so với quý 1/2023 tốt hơn và giữ ổn định (27,5% tốt hơn và 36,7% giữ ổn định), 35,8% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn.

72,6% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD quý 3/2023 tốt hơn so với quý 2/202; 38,3% đánh giá giữ ổn định và 27,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn.

Về đơn hàng, có 63,8% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới tăng và giữ nguyên so với quý 1/2023 (24,9% tăng, 38,9% giữ nguyên); 36,2% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới giảm.

Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất thuốc lá có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng mới quý 2/2023 so với quý 1/2023 tăng cao nhất với 43,8%. Ngược lại, ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng giảm nhiều nhất với 45,3%.

h-3.jpg
Phần lớn doanh nghiệp được khảo sát cho rằng đơn hàng mới trong quý 3 sẽ tăng

Dự báo số lượng đơn đặt hàng mới quý 3/2023 so với quý 2/2023 tăng với 73,7% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (32,2% tăng, 41,5% giữ nguyên), 26,3% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm.

Với đơn hàng xuất khẩu, trong số các doanh nghiệp được khảo sát, có 61,7% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý 2/2023 tăng và giữ nguyên so với quý 1/2023 (18,5% tăng, 43,2% giữ nguyên), tỷ lệ doanh nghiệp nhận định có đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm là 38,3%.

Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất xe có động cơ có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý 2/2023 so với quý 1/2023 tăng cao nhất với 32,3%. Ngược lại, ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm nhiều nhất với 54,8%.

Đa số các doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý 3/2023 khả quan hơn.

Chi phí sản xuất tăng

Kết quả khảo sát cho thấy, quý 2/2023 có 91,0% doanh nghiệp nhận định chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên (31,1% tăng, 59,9% giữ nguyên); 9,0% doanh nghiệp nhận định giảm so với quý 1/2023.

Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất sản phẩm thuốc lá có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm quý 2/2023 so với quý 1/2023 tăng cao nhất với 52,6%. Ngược lại, ngành sản xuất kim loại có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm quý 2/2023 so với quý 1/2023 giảm nhiều nhất với 14,8%.

h-2.jpg
Chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tăng

Dự báo quý 3/2023 so với quý 2/2022, có 90,8% doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên (25,8% tăng, 65,0% giữ nguyên), 9,2% doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm giảm.

Theo kết quả khảo sát, có 20,8% doanh nghiệp nhận định khối lượng thành phẩm tồn kho quý 2/2023 tăng so với quý 2/2023; 49,5% doanh nghiệp đánh giá giữ nguyên và 29,7% đánh giá giảm.

Về lao động, ngành sản xuất xe có động cơ có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định lao động quý2/2023 so với quý 1/2023 tăng cao nhất với 28,6%. Ngược lại, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định lao động quý 2/2023 so với quý 1/2022 giảm nhiều nhất với 40,2%.

Dự báo sử dụng lao động quý 3/2023 so với quý 2/2023 khả quan hơn với 83,4% số doanh nghiệp dự kiến số lao động tăng và giữ nguyên (12,9% tăng, 70,5% giữ nguyên); 16,6% doanh nghiệp dự kiến lao động giảm.

Doanh nghiệp muốn ổn định năng lượng, hạ lãi suất

Các doanh nghiệp cho rằng hoạt động SXKD của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý 2/2023 tuy vẫn gặp khó khăn nhưng đã có dấu hiệu phục hồi. Khu vực doanh nghiệp FDI gặp nhiều khó khăn nhất với chỉ số cân bằng chung dưới 0% trong ba quý liên tiếp.

Trong quý 2/2023, hai yếu tố “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” vẫn là những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp với tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn lần lượt là 55,5% và 47,2%.

Việc cắt điện luân phiên tại một số địa phương phía bắc đã ảnh hưởng đến SXKD của doanh nghiệp, thể hiện qua yếu tố “thiếu năng lượng” trở thành lựa chọn của nhiều doanh nghiệp với 8,5% doanh nghiệp lựa chọn, tăng 7,1% so với quý trước. Đây là yếu tố biến động nhiều nhất trong số các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động SXKD.

h-1.jpg
Việc cắt điện luân phiên tại một số địa phương phía bắc đã ảnh hưởng đến SXKD của doanh nghiệp

Quý 2/2023 cũng là quý đầu tiên trong vòng 5 năm gần đây tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công suất máy móc, thiết bị từ 70% đến dưới 90% đạt dưới 40%.

Để hỗ trợ hoạt động SXKD trong các tháng tiếp theo, các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo kiến nghị đảm bảo ổn định năng lượng, cung cấp đủ điện cho các doanh nghiệp hoạt động SXKD liên tục, không bị gián đoạn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp mong muốn được kích cầu thị trường trong nước, nhằm hỗ trợ tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả. Các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính mong muốn được giảm lãi suất vay vốn và được hỗ trợ quá trình hoàn thiện hồ sơ vay vốn nhanh hơn để doanh nghiệp có nguồn vốn SXKD kịp thời và hiệu quả hơn.

Hoài Lam