Hơn 1 triệu thí sinh bắt đầu làm bài thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT 2023
Giáo dục - Ngày đăng : 08:43, 28/06/2023
Với 2.273 điểm thi gồm 44.661 phòng thi, sáng 28.6, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước bước vào ngày đầu kỳ thi tốt nghiệp THPT với môn thi đầu tiên là môn Ngữ văn.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2023 được tổ chức từ 27-30.6, trong đó, ngày 27.6, các thí sinh đã hoàn tất thủ tục đăng ký dự thi. Kỳ thi có 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Một bài thi Tổ hợp khoa học tự nhiên gồm các môn thi thành phần Vật lý, Hóa học, Sinh học, một bài thi tổ hợp Khoa học xã hội gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.
Ghi nhận tại Hà Nội, có mưa trong đêm và sáng sớm 28.6, thời điểm các sĩ tử đến trường thi, nhiều nơi đã tạnh ráo, một số nơi chỉ còn mưa nhỏ, khá mát mẻ, đường ướt. Phụ huynh đưa con đi thi cần di chuyển chậm, thận trọng đề phòng trơn trượt, tai nạn. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hôm nay 28.6, nhìn chung thời tiết khá thuận lợi trong ngày đầu hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 cho biết, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là công việc thường niên hàng năm của ngành Giáo dục và luôn là việc được ngành xác định cần tập trung cao nhất, không thể chủ quan, lơ là. Khâu quan trọng, quyết định thành công của kỳ thi chính là khâu chuẩn bị. Chuẩn bị càng kỹ lưỡng bao nhiêu càng tốt cho quá trình tổ chức kỳ thi bấy nhiêu. Kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm qua đã được phân cấp về UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương. Do đó, sự chuẩn bị từ địa phương bao gồm các điều kiện cơ sở vật chất, lựa chọn con người, tập huấn đội ngũ làm thi, xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với các tình huống bất thường, hỗ trợ thí sinh dự thi... nếu được làm tốt sẽ là cơ sở cho thành công của kỳ thi.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nêu rõ, học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Đồng thời, nội dung đề thi sẽ chú ý mức độ vận dụng, vận dụng cao, có tính phân hóa phù hợp là căn cứ để các cơ sở đào tạo đại học sử dụng như một trong các phương thức xét tuyển. Đầu tháng 3, Bộ GD-ĐT đã công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 làm cơ sở để các nhà trường, giáo viên, học sinh ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi chính thức.
Trước băn khoăn của nhiều thí sinh, phụ huynh về việc có được mang đồng hồ đeo tay vào phòng thi tốt nghiệp THPT hay không, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đã thống nhất với 63 Hội đồng thi các tỉnh, thành phố về vấn đề này. Khi vào phòng thi, thí sinh được phép mang đồng hồ đeo tay nhưng phải là đồng hồ cơ vì đây là một trong những vật dụng thiết yếu để thí sinh theo dõi thời gian làm bài. Tuy nhiên, đồng hồ này không được phép gắn thêm các thiết bị lưu giữ, thu phát, truyền, nhận thông tin, hình ảnh. Riêng đồng hồ thông minh (smartwatch), thí sinh tuyệt đối không được phép mang vào phòng thi.
Ông Chương cũng lưu ý thí sinh, mặc dù được phép mang đồng hồ đeo tay (đồng hồ cơ) vào phòng thi nhưng thí sinh không nên lạm dụng. Nếu gắn thêm các thiết bị lưu giữ, thu phát, truyền, nhận thông tin, hình ảnh, thí sinh sẽ bị xử lý kỷ luật theo đúng quy chế thi. Theo quy chế, Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn Địa lý (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác). Trong danh mục này, Bộ GD-ĐT không đề cập đến đồng hồ đeo tay.