Vi rút EV71 gây bệnh tay chân miệng nguy hiểm đến mức nào?

Thông tin Y học - Ngày đăng : 16:20, 08/06/2023

Vi rút EV71 được xác định là tác nhân gây ra bệnh tay chân miệng tại TP.HCM, khiến dịch bệnh lây lan nhanh, gây bệnh nặng, thậm chí tử vong. Vậy EV71 nguy hiểm đến mức nào?

EV71 có thể khiến trẻ mắc tay chân miệng tử vong nhanh

Theo các chuyên gia bệnh truyền nhiễm, bệnh tay chân miệng tại TP.HCM trong năm 2023 diễn biến phức tạp. Trong khi đó, vi rút Enterovirus 71 (EV71) đang được cho là tác nhân gây ra sự gia tăng đột biến số ca mắc, nhất là những ca bệnh nặng và tử vong, khiến cho không chỉ các bậc phụ huynh mà ngành y tế lo lắng.

vi-rut-ev71-gay-benh-tay-chan-mieng-nguy-hiem-den-muc-nao-hinh-anh(1).png
Vi rút EV71 vừa gây thành dịch vừa gây biến chứng cho trẻ mắc tay chân miệng gấp nhiều lần - Ảnh: PV

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM cho rằng, chúng ta lo lắng về EV71 vì vi rút này vừa gây thành dịch vừa gây biến chứng cho trẻ mắc tay chân miệng gấp nhiều lần so với tất cả tác các nhân khác. Trong đó, biến chứng nguy hiểm nhất của EV71 là có thể tấn công vào não bộ gây ảnh hưởng đến thần kinh, hô hấp, tim mạch và có thể dẫn đến tử vong rất nhanh nếu không phát hiện kịp thời.

“Khi nói đến bệnh tay chân miệng là phải nói đến do tác nhân gì. Nếu bệnh tay chân miệng do tác nhân EV71 thì tình hình khá là quan trọng cho việc phòng chống cũng như phát hiện sớm”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Trước tình hình bệnh tay chân miệng tại TP.HCM đang gia tăng từng ngày trong những tuần gần đây và để phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh này, bác sĩ Khanh lưu ý các bậc phụ huynh có con nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi khi mắc tay chân miệng thường trong 1, 2 ngày đầu sốt rất nhẹ, nhưng lại bỏ ăn, chảy nước miếng do mụn nước mọc trong miệng.

“Lúc này các bậc phụ huynh phải kiểm tra xem lòng bàn tay, lòng bàn chân của trẻ có nổi bóng nước hay không. Những bóng nước của bệnh tay chân miệng chỉ nổi ở lòng bay tay, lòng bàn chân, vùng gối, vùng mông, ít khi nào nổi rải rác toàn thân nên các bậc phụ huynh cần để ý”, bác sĩ Khanh nói.

Riêng trong trường học, nếu thấy có một trẻ trong lớp mắc tay chân miệng, ngoài việc cho trẻ đó nghỉ 10 ngày thì các giáo viên phải theo dõi những em còn lại. Ngoài ra, khi phát hiện bé nào đó trong lớp, trong nhà, trong xóm mắc tay chân miệng mà tiếp xúc với những bé khác thì phải theo dõi ngay những bé đó.

“Mỗi ngày, kêu các bé xòe bàn tay ra, há miệng ra thì sẽ phát hiện những dấu hiệu của bệnh tay chân miệng. Đây là cách quan trọng nhất để phát hiện sớm bệnh tay chân miệng tại gia đình cũng như tại trường học”, bác sĩ Khanh chia sẻ.

Làm thế nào nhận biết trẻ mắc tay chân miệng có khả năng bị biến chứng?

Theo bác sĩ Khanh, những trường hợp mắc tay chân miệng có khả năng biến chứng thường sốt trên 2 ngày, hay sốt rất khó hạ, vừa uống thuốc hạ sốt xong đã sốt trở lại. Các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến ngay bệnh viện khám để các bác sĩ đánh giá có tiềm tàng biến chứng nào không, và hẹn lịch tái khám.

Một triệu chứng khác của trẻ mắc tay chân miệng có khả năng bị biến chứng nặng là nôn ói nhiều, đặc biệt triệu chứng “giật mình chới với”. Trường hợp này, em bé vừa thiu thiu ngủ thì giật mình lên, 2 tay vung lên rồi hạ xuống, cứ như thế giật mình liên tục.

“Thông thường một em bé giật mình như vậy chắc chắn có biến chứng, nhất là những em bé mắc tay chân miệng, trong vòng 30 phút đã giật mình đến 2 lần”, bác sĩ Khánh cho biết và khuyến cáo các bậc phụ huynh khi thấy trẻ bị “giật mình chới với” hãy đưa ngay đến bệnh viện. Đây là dấu hiệu cho thấy chỉ còn vài giờ đồng hồ để có thể tiếp cận cứu sống bệnh nhân.

Ngoài ra, những dấu hiệu khác dễ nhận biết trẻ mắc tay chân miệng có khả năng bị biến chứng nặng như: run chi, tay tím, da nổi bông, thở mệt, yếu chân yếu tay…

Hồ Quang