Bình Phước chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Sự kiện - Ngày đăng : 19:13, 02/06/2023
Chương trình do Hội nhà báo Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Bình Phước tổ chức với tinh thần khẩn trương thực hiện nhiệm vụ cùng các giải pháp trọng tâm của các cấp, ngành, địa phương, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh quý 1/2023 tiếp tục ổn định và phát triển trên hầu hết các lĩnh vực, đồng thời nhằm mục đích chủ động phối hợp và đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Phước trong 6 tháng cuối năm 2023.
Tham dự buổi gặp mặt có Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; lãnh đạo, phóng viên của 51 cơ quan báo chí Trung ương, TP.HCM và một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Tại buổi gặp mặt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh thông tin nhanh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời nhấn mạnh tỉnh Bình Phước chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp tập trung.
Có thể nói trong 6 tháng đầu năm 2023, Bình Phước đã đạt được một số con số khá ấn tượng như:
Về tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 7,27%. Đây là mức tăng cao nhất so với vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 14 so với cả nước. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp quý 2/2023 của tỉnh đạt 8,85%, điều này cho thấy ngành công nghiệp của tỉnh có sự phục hồi nhanh trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước.
Về thu hút đầu tư trong nước được 15 dự án với số vốn là 3.500 tỉ đồng, bằng 45,5% về số dự án và bằng 63,74% về số vốn so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 29,17% kế hoạch năm. Lũy kế đến hết tháng 6.2023 toàn tỉnh ước có 1.222 dự án với số vốn đăng ký là 119.256 tỉ 840 triệu đồng.
Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI): 06 tháng đầu năm ước thu hút được 15 dự án với số vốn là 610 triệu USD, tăng gấp 12 lần về số vốn so với cùng kỳ năm 2022 và đạt hơn 200% so với kế hoạch năm. Lũy kế đến hết tháng 6.2023, toàn tỉnh có 378 dự án FDI với tổng số vốn là 4 tỉ 036 triệu USD.
Về sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, tiến độ gieo trồng cây hàng năm được 10.607 ha, đạt 41,5% kế hoạch năm. Diện tích cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả 439.177 ha, tăng 0,19% (tăng 827 ha) so với cùng kỳ, đạt 100,7% kế hoạch năm.
Về sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp toàn tỉnh (IIP) 6 tháng đầu năm ước tăng 6,8% so với cùng kỳ, góp phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,5%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,5% so với cùng kỳ.
Hoạt động thương mại dịch vụ tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước 6 tháng đầu năm đạt 37.929 tỉ 110 triệu đồng, tăng 28,18% so cùng kỳ năm 2022, đạt 55,37% so với kế hoạch năm.
Về hoạt động du lịch nội địa đạt được nhiều kết quả khả quan, các cơ sở kinh doanh du lịch hoạt động kinh doạnh với lượng khách tăng ổn định so với cùng kỳ năm trước. Tổng số lượt khách tham quan đạt 383.215 lượt khách, tăng 20,97% so với cùng kỳ và đạt 47,56% kế hoạch năm. Trong đó, khách nội địa 379.980 lượt khách; khách quốc tế 3.235 lượt khách. Tổng thu du lịch đạt 199 tỉ 210 triệu đồng, tăng 53,78% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 42,38% kế hoạch năm.
Về chuyển đổi số: Tỉnh Bình Phước có 1.432 dịch vụ công kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia (xếp thứ 01/63 tỉnh, thành phố). Trung tâm IOC cấp tỉnh và Trung tâm điều hành thông minh cấp huyện tại thành phố Đồng Xoài, thị xã Bình Long và Phước Long đã đưa vào vận hành ổn định.
Về cải cách hành chính: Chỉ số PCI Bình Phước năm 2022 tăng 2,15 điểm (từ 62,17 điểm lên 64,32 điểm), tăng 7 bậc so với năm 2021, đứng thứ 43/63 tỉnh thành. Kết quả Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2022 của tỉnh đứng thứ 39/63 tỉnh, thành phố (tăng 10 bậc so với năm 2021). Kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2022 của tỉnh đạt 76,05% đứng thứ 56/63 tỉnh, thành phố (tăng 06 bậc so với năm 2021).
Đến đầu năm 2023, Bình Phước còn 2.879 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,03% trên tổng số hộ dân (trong đó có 1.696 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 58,7% tổng số hộ nghèo); 3.062 hộ cận nghèo chiếm 1,09% trên tổng số hộ dân.
Đạt được những thành tựu trên đây có sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự nỗ lực của các cấp, các ngành; cùng sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và trong đó có phần quan trọng của các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh đã tham gia hỗ trợ thông tin cho tỉnh trong thời gian qua.
Cũng tại buổi gặp gỡ, Chương trình “Tự hào cờ Tổ quốc” của báo Người Lao Động đến dự và trao tượng trưng 10.000 lá cờ trong hợp phần “Cờ Tổ quốc biên cương”, 5.000 lá cờ trong hợp phần “Đường cờ Tổ quốc” cho lãnh đạo tỉnh và đại diện một số hộ dân; trao tặng 50 suất học bổng trị giá 100 triệu đồng (2 triệu/học bổng) trích từ Chương trình Học bổng cho học sinh dân tộc thiểu số và học sinh nghèo do Nguyên Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình khởi xướng thành lập từ 1998 hiện do báo Người lao động quản lý.