Bác bỏ vai trò gien FOXP2 trong tiến hóa ngôn ngữ của con người

Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 17:34, 06/08/2018

Theo tạp chí Cell, sự phát triển lời nói và ngôn ngữ của người đã chịu ảnh hưởng không phải của gien FOXP2, trước đây đã từng được coi là động cơ tiến hóa chính để con người có được những kỹ năng ngôn ngữ.
Không riêng con người hiện đại mà tổ tiên của chúng ta cũng có gien FOXP2 từng được coi là động cơ tiến hóa chính để có được những kỹ năng ngôn ngữ - Ảnh: Flickr

Sau khi so sánh dữ liệu di truyền của người hiện đại và người Neanderthal, các nhà khoa học đã đưa ra kết luận như vậy.

Trước đây, các nhà khoa học tin rằng gien FOXP2, có liên quan với sự phát triển của lời nói. Chính gien này giải thích tại sao con người hiện đại lại có ưu thế tiến hóa trước người Neanderthal.

Công trình nghiên cứu được công bố vào năm 2002 trên tạp chí Nature, khẳng định rằng chính hoạt động của gien FOXP2 và sự phát triển các kỹ năng ngôn ngữ đã giúp loài người sinh sôi trên khắp châu Phi 100.000 năm trước. Các tác giả của nghiên cứu mới đã quyết định kiểm tra những kết quả này trên cơ sở dữ liệu di truyền lớn hơn.

16 năm trước, các nhà khoa học đã không tiếp cận được các phương pháp phân tích di truyền mà các nhà nghiên cứu hiện đại sở hữu. Do đó, họ chỉ có thể phân tích một cơ sở dữ liệu di truyền nhỏ (chỉ thu được từ 20 người, chủ yếu là người có nguồn gốc châu Âu). Các nhà khoa học tin rằng, các kết quả trước đây cần phải được làm cho chính xác hơn, đặc biệt là phải chú ý đến bộ gien của những người di cư từ châu Phi.

Các tác giả sử dụng hầu hết các cơ sở dữ liệu mở về hệ gien của những người cổ đại và hiện đại (ví dụ như 1.000 Genomes Project Consortium). Các nhà khoa học đã áp dụng một số phương pháp thống kê, nhưng không một phương pháp nào trong số đó xác nhận kết quả của công trình nghiên cứu năm 2002. Hóa ra, gien FOXP2 cũng có ở tổ tiên của con người hiện đại và tuyệt nhiên không phải chỉ con người hiện đại chúng ta mới sở hữu.

Các tác giả hy vọng rằng phương pháp mà họ sử dụng trong công trình nghiên cứu sẽ trở thành khuôn mẫu cho các nghiên cứu tiến hóa khác.

Theo họ, nhiều nghiên cứu được tiến hành trên cơ sở dữ liệu di truyền chưa đủ phong phú, chủ yếu dựa trên dữ liệu từ những người thuộc Đại chủng Âu (Caucasoid race). Do đó, một số sự kiện được biết đến nay về sự tiến hóa của con người có thể là không chính xác.

Vũ Trung Hương