Dự thảo về cung cấp dữ liệu mở tại Việt Nam

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:40, 29/05/2023

Dự thảo của Bộ TT-TT cũng nêu rõ và đánh giá tình hình phát triển cổng dữ liệu cung cấp dữ liệu mở tại Việt Nam.

Bộ TT-TT đang xây dựng một số dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, bộ đang lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo người dân về dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia đặc tả tập dữ liệu mở cho cổng dữ liệu DCAT-VN.

Để xây dựng một tiêu chuẩn cho Việt Nam, dự thảo nêu rõ: “Cần phải đặt ra các yêu cầu thực tế để phát triển; phải tương thích nhất định với tiêu chuẩn quốc tế, cụ thể ở đây là DCAT là tiêu chuẩn gốc về mô tả tập dữ liệu mở”.

Ngoài ra, phải đủ đơn giản để dễ dàng triển khai tại Việt Nam; linh động có thể mở rộng các thuộc tính dữ liệu để đáp ứng yêu cầu chuyên sâu, ví dụ như dữ liệu không gian…

screenshot-298-(1).png
Cổng dữ liệu quốc gia là điểm đầu mối truy cập thông tin, dữ liệu - Ảnh: T.A (chụp màn hình)

Theo dự thảo của Bộ TT-TT, tiêu chuẩn đề xuất cho Việt Nam (DCAT-VN) đã được phát triển trên tiêu chuẩn gốc, tiếp thu được kinh nghiệm từ các quốc gia và phù hợp với tình hình phát triển của Việt Nam, giúp cho các cơ quan nhà nước, tổ chức dễ dàng áp dụng, thuận tiện cho các cơ quan, tổ chức cung cấp dữ liệu mở; từ đó thúc đẩy sự sáng tạo trong cộng đồng, xã hội; là mục tiêu trong chương trình chuyển đổi số của nước ta hiện nay.

Bên cạnh việc đánh giá khả năng chấp thuận các tiêu chuẩn của thế giới, dự thảo cũng nêu rõ và đánh giá tình hình phát triển cổng dữ liệu cung cấp dữ liệu mở tại Việt Nam.

Cổng dữ liệu quốc gia

Theo dự thảo, Cổng dữ liệu quốc gia được xác định vị trí pháp lý tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 9.4.2022 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số.

Cổng dữ liệu quốc gia là điểm đầu mối truy cập thông tin, dữ liệu có địa chỉ data.gov.vn trên mạng internet phục vụ việc công bố dữ liệu mở, cung cấp thông tin về chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước; cung cấp các tài liệu, dịch vụ, công cụ, ứng dụng xử lý, khai thác dữ liệu được công bố bởi các cơ quan nhà nước.

Công nghệ sử dụng cho cổng dữ liệu quốc gia tại thời điểm thử nghiệm là CKAN; đã kết nối liên thông với Cổng dữ liệu iTrithuc để trao đổi dữ liệu đặc tả. Cổng dữ liệu có hơn 10.600 tập dữ liệu mở đã được cung cấp.

screenshot-296-.png
Cổng dữ liệu quốc gia - Ảnh: T.A (chụp màn hình)

Cổng dữ liệu TP.HCM

Cổng dữ liệu TP.HCM được công bố trên mạng internet tại địa chỉ https://opendata.hochiminhcity.gov.vn/. Cổng dữ liệu này cung cấp dữ liệu mở cũng là một thành phần của kho dữ liệu dùng chung của TP.HCM.

Theo Bộ TT-TT, đây là nền tảng quan trọng trong việc triển khai xây dựng đô thị thông minh; phục vụ triển khai các hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của thành phố. Ngoài ra, đây là nguồn cung cấp dữ liệu làm cơ sở phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở cho TP.HCM

“Cổng dữ liệu cung cấp dữ liệu mở của TP.HCM được phát triển để tạo ra phương thức chia sẻ tài nguyên dữ liệu từ kho dữ liệu dùng chung với người dân, doanh nghiệp và tổ chức”, dự thảo nêu rõ.

Cổng dữ liệu Đà Nẵng

Cổng dữ liệu Đà Nẵng cũng bao gồm chức năng của Cổng dữ liệu cung cấp dữ liệu mở, là một dự án CNTT của Sở TT-TT TP.Đà Nẵng. Mục tiêu xây dựng Cổng dịch vụ dữ liệu là xây dựng một cơ sở dữ liệu phục vụ cho tra cứu của người dân, làm cơ sở cho việc khai thác và phát triển các ứng dụng khác dựa trên cơ sở dữ liệu nền tảng.

Tháng 10.2019, Cổng dịch vụ dữ liệu được chính chức đi vào hoạt động với kỳ vọng sẽ góp phần cùng với chính quyền thành phố phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn, thúc đẩy phát triển, ứng dụng CNTT, xây dựng thành phố thông minh, hiện đại.

Cổng dịch vụ dữ liệu cung cấp 3 dịch vụ, gồm dịch vụ tra cứu dữ liệu trên website, dịch vụ tra cứu dữ liệu qua tin nhắn di động SMS và dịch vụ tra cứu dữ liệu qua ứng dụng di động Zalo.

screenshot-297-.png
Cổng dữ liệu TP.HCM được coi là nguồn cung cấp dữ liệu làm cơ sở phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở cho TP.HCM -
Ảnh: T.A (chụp màn hình)

Cổng dữ liệu Itrithuc

Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” được phê duyệt theo Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 18.5.2017 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một trong các hoạt động cụ thể nhằm triển khai Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Mục tiêu của đề án là nhằm xây dựng nền tảng hạ tầng dữ liệu và tri thức trong các lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, như giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, văn hóa… nhằm tạo điều kiện cho học tập, làm chủ tri thức, nghiên cứu và phát triển các ứng dụng CNTT trên nền tảng AI và BigData phục vụ cho cộng đồng, xã hội.

Bộ TT-TT cho biết các dữ liệu và tri thức được kết nối và chia sẻ với cấp số nhân, được phổ biến nhanh chóng và rộng rãi sẽ xóa bỏ khoảng cách số, tạo cơ hội để mọi người tiếp cận sử dụng, tạo ra giá trị gia tăng cho cả cộng đồng. Đây là cốt lõi để triển khai phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong mọi ngành, lĩnh vực, khơi dậy niềm đam mê và khát vọng sáng tạo, nhất là thế hệ trẻ.

Cổng dữ liệu cung cấp dữ liệu mở Itrithuc với hơn 10.000 tập dữ liệu mở đa dạng về chủng loại các lĩnh vực, được công bố tại https://dulieu.itrithuc.vn/. Theo Bộ TT-TT, công nghệ của cổng dữ liệu cung cấp dữ liệu mở là sử dụng CKAN hỗ trợ đồng thời tiêu chuẩn mô tả tập dữ liệu mở của CKAN và DCAT.

Ngoài ra, dự thảo của Bộ TT-TT cũng cho biết tới cuối năm 2022, toàn quốc đã có 15 tỉnh, thành phố xây dựng cổng dữ liệu cung cấp dữ liệu mở với các mức độ khác nhau. Nhiều cổng đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Thu Anh