Chịu chi phí lãi vay gấp 3 lần DN Trung Quốc, cơ hội cạnh tranh của DN Việt gần như bằng không

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 06:00, 27/05/2023

Doanh nghiệp Trung Quốc có lợi thế về chuỗi cung ứng nội địa, hệ thống logistics hiệu quả và trình độ công nghệ cao hơn các DN Việt, nhưng DN Việt Nam phải chịu chi phí lãi vay cao gấp gần 3 lần DN Trung Quốc. Cơ hội để DN Việt Nam có thể cạnh tranh với các DN Trung Quốc hoàn toàn bằng không.

Thông tin này được đưa ra tại Báo cáo Tác động của môi trường lãi suất cao tới ổn định vĩ mô và hồi phục tăng trưởng năm 2023” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố.

Năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam đang suy giảm mạnh

Kinh tế Việt Nam quý 1/2023 cho thấy sự sụt giảm mạnh về tăng trưởng trên cả nước và tại các trung tâm công nghiệp chính của cả nước. Với mức tăng trưởng chỉ 3,32% so với cùng kỳ 2022 và giảm 14,17% so với quý 4/2022, tăng trưởng quý 1 thấp thứ hai trong hơn 10 năm qua.

Các trung tâm kinh tế lớn của cả nước đều sụt giảm tăng trưởng mạnh. Đặc biệt là những trung tâm xuất khẩu của cả nước như Bắc Ninh (giảm 11,85%), Quảng Nam (giảm 10,88%), Bà Rịa - Vũng Tàu (giảm 4,75%), Vĩnh Phúc (giảm 2,47%)… Đồng thời các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng mất đà tăng trưởng nghiêm trọng, tăng trưởng dưới mức bình quân của cả nước.

Có thể nhận thấy ngay đó là các trung tâm thu hút FDI lớn nhất cả nước như Bắc Ninh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, TP.HCM… đã mất đà tăng trưởng và năng lực xuất khẩu giảm mạnh. Xuất khẩu 3 tháng đầu năm giảm mạnh (-11,9%). Đây là lần đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính 2008 xuất khẩu giảm trong quý 1 và giảm rất sâu hơn 11%.

Không chỉ khu vực ngoại gặp khó khăn (xuất khẩu, FDI) các hoạt động kinh tế trong nước cũng suy giảm mạnh. Các chỉ số PMI liên tục dưới ngưỡng tích cực (50) khá xa (trừ tháng 2/2023). Tốc độ tăng tín dụng so với cùng kỳ chỉ đạt 9,98% (nếu so với cuối năm 2022 thì chỉ tăng 2,06%) thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân khoảng 15% trong 10 năm trở lại đây.

dn.jpg
Năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam đang suy giảm mạnh

Tuy nhiên, theo đánh giá của VEPR, điều đáng báo động đó là năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam đang suy giảm mạnh. Nếu các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán là đại diện cho những DN tốt nhất của kinh tế nước ta (trừ những DN 100% vốn nhà nước và các DN có vốn đầu tư nước ngoài không niêm yết) thì sức khỏe của hệ thống DN Việt Nam năm 2022 đã suy yếu hơn nhiều so với con số tăng trưởng 8,02%.

Theo ước tính của VNDirect, tính đến ngày 3.2.2023, với 995 công ty niêm yết trên 3 sàn chứng khoán chiếm 92,1% vốn hóa thị trường, tổng lợi nhuận ròng quý 4/2022 của các công ty này đã giảm tới 30,4% so với cùng kỳ, mức giảm mạnh nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Trong đó lợi nhuận sau thuế của 421 DN phi tài chính giảm 70,3% so với cùng kỳ trong quý 4. Kết quả này đã kéo tăng trưởng lợi nhuận ròng của thị trường năm 2022 xuống chỉ còn 7,1% so với cùng kỳ, tức là chưa bằng 50% so với dự báo trước đó của công ty (mức 16,7%).

Gánh nặng lãi vay đè bẹp sức cạnh tranh

Những yếu tố tiêu cực đối với kinh tế Việt Nam như thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng và sự suy giảm mạnh của hoạt động xuất khẩu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh của các DN. Trong khi đó, lãi suất cho vay trong nước lại tăng lên càng làm suy yếu năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam.

Nhiều ngân hàng có lãi suất cho vay bình quân lên đến 12-13%, thậm chí có ngân hàng cho vay với lãi suất bình quân lên đến hơn 14,6%, tuy nhiên nó cũng phản ánh xu hướng biến động của lãi suất cho vay. Theo đó lãi suất bắt đầu tăng từ tháng 7.2022 cho đến tháng 2.2023 lãi suất vẫn tiếp tục được neo cao.

“Với mức lãi suất cho vay bình quân từ khoảng 9% - 10,7% là rất cao và làm xói mòn năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam. Theo số liệu của NHNN thì dư nợ tín dụng bình quân trong cả năm 2022 là hơn 1,1 triệu tỉ đồng với lãi suất cho vay bình quân là 10%/năm thì riêng chi phí lãi vay các doanh nghiệp và người dân Việt Nam đã phải chịu tương đương với 12% GDP của Việt Nam năm 2022”, VEPR nêu.

ls.jpg
Gánh nặng lãi suất đè bẹp doanh nghiệp

Để so sánh, VEPR dẫn ví dụ, lãi suất cho vay bình quân gia quyền tại Trung Quốc tháng 12/2022 là 4,14% và trong giai đoạn 12.2008-12.2022 lãi suất cho vay bình quân tại Trung Quốc cũng chỉ là 5,62%. Điều đáng nói đó là từ khi bị ảnh hưởng bởi COVID-19 thì lãi suất cho vay tại Trung Quốc liên tục giảm và giảm khá nhanh qua đó thực sự giúp các DN Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ sau COVID-19.

“So với các DN Trung Quốc thì doanh nghiệp Việt Nam hầu như đều chịu các bất lợi cạnh tranh. DN Trung Quốc có lợi thế về chuỗi cung ứng nội địa mà không nước nào có được. Họ cũng có lợi thế về hệ thống logistics hiệu quả và cực kỳ cạnh tranh và họ có trình độ công nghệ cao hơn các DN Việt Nam,… nhưng DN Việt Nam phải chịu chi phí lãi vay cao gấp gần 3 lần DN Trung Quốc. Cơ hội để DN Việt Nam có thể cạnh tranh với các DN Trung Quốc hoàn toàn bằng không”, VEPR nhận định và cho rằng nếu DN Việt Nam về ngắn hạn và dài hạn đều không thể cạnh tranh được với các DN Trung Quốc thì nguy cơ hàng hóa Trung Quốc đè bẹp nền sản xuất hàng hóa của Việt Nam là khó tránh khỏi.

Theo VEPR, từ năm 2011-2020, Việt Nam chủ yếu là thặng dư cán cân vãng lai, tức là Việt Nam là nước xuất khẩu vốn. Trong 2 năm 2021 và 2022 do phải chi phí cho nhập khẩu thuốc và thiết bị phòng chống dịch COVID-19 và chi phí vận tải tăng vọt nên cán cân vãng lai trở nên bị âm nhưng về xu hướng dài hạn thì Việt Nam sẽ vẫn thặng dư cán cân vãng lai và vẫn là nước xuất khẩu vốn. Như vậy Việt Nam hoàn toàn có dư địa để giảm lãi suất khi ở vị thế một nước xuất khẩu vốn.

“Đã đến lúc Việt Nam cần phải có chiến lược chuyển đổi tăng trưởng dựa trên lao động giá rẻ sang dựa trên vốn rẻ. Và chỉ khi nền kinh tế phát triển dựa trên vốn rẻ mới tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển DN theo chiều sâu (đầu tư dài hạn vào các hoạt động R&D, đầu tư vào các dự án mạo hiểm nhưng có thể tạo đột phá cho ngành sản xuất, đầu tư vào kỹ năng,..); đồng thời tạo điều kiện cho DN phát triển theo chiều rộng tức là mở rộng nhanh chóng số lượng DN và mục tiêu 2 triệu DN đến năm 2030 mới có cơ hội thành hiện thực”, báo cáo nêu.

Hoài Lam