Trình Quốc hội Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 15:30, 26/05/2023

Chính phủ vừa chính thức trình Quốc hội dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM với 27 điểm mới, đột phá.

Sáng 26.5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình nêu rõ, Nghị quyết hướng đến xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần xây dựng và phát triển TP.HCM như mục tiêu đã đặt ra tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội.

Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Thành phố thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Việc xây dựng cơ chế, chính sách không phải chỉ riêng cho Thành phố mà còn tạo điều kiện cho Thành phố phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước. Cho phép tiếp tục áp dụng các cơ chế, chính sách thực hiện đạt kết quả tại Nghị quyết số 54/2017/QH14.

nguyen_chi_dung_26.5.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng-Ảnh: VOV

Nghị quyết cũng bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp đang được thí điểm tại một số địa phương và một số cơ chế chính sách có trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi - dự kiến sẽ trình Quốc hội thời gian tới. Quy định cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố phải có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi và thực hiện tăng cường phân cấp, ủy quyền cho Thành phố, gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát minh bạch, hiệu quả.

Nội dung chính của dự thảo Nghị quyết có 7 nhóm cơ chế, chính sách từ Điều 4 đến Điều 10. Xét về tính mới và kế thừa, dự thảo Nghị quyết gồm 4 nhóm cơ chế, chính sách: nhóm cơ chế chính sách được kế thừa từ Nghị quyết số 54; nhóm cơ chế, chính sách được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác; nhóm các cơ chế, chính sách được quy định tại các dự thảo Luật đang trình Quốc hội cho ý kiến; nhóm các cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa… Bao gồm quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP.HCM; tổ chức bộ máy TP.Thủ Đức.

Dự thảo cũng bổ sung quy định miễn, giảm thuế thu nhập đối với cá nhân, doanh nghiệp hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo của TP.HCM; cho phép thí điểm cơ chế tài chính giảm phát thải khí nhà kính theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; tín chỉ carbon được giao dịch với nhà đầu tư trong nước, quốc tế; ngân sách TP.HCM hưởng 100% nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon…

Về tổ chức bộ máy, TP.HCM được thành lập Sở An toàn thực phẩm có chức năng thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. TP.HCM cũng được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; quy định phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP.HCM cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức; quy định việc HĐND TP.HCM thành lập một số ban, phòng ban, văn phòng thuộc TP.Thủ Đức…

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu nhận định, dự thảo nghị quyết mới đã bảo đảm tính kế thừa Nghị quyết 54, tích hợp một số chính sách tương đồng với các địa phương có cơ chế đặc thù.

“Thực hiện thành công các chính sách trong dự thảo sẽ tạo tiền đề quan trọng cho bước phát triển mới”, ông Lê Quang Mạnh nhận định khái quát.

Vẫn theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đa số ý kiến cho rằng, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, để nghị quyết của Đảng về phát triển TP.HCM sớm đi vào cuộc sống, dự thảo nghị quyết này có thể trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5.

“Việc ban hành nghị quyết cần thực sự mang tính lan tỏa, tác động sâu rộng không chỉ đối với TP.HCM, mà cần mang lại hiệu ứng tích cực đối với vùng miền và đất nước, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương. Đi đôi với tăng cường phân cấp, phân quyền, cần đề cao trách nhiệm; song cũng rất cần một cơ chế bảo vệ, khuyến khích người nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, đại diện cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.

Đáng lưu ý, về mối quan hệ với các dự thảo luật liên quan, dự thảo nghị quyết đề xuất một số chính sách mới liên quan đến nhiều luật đang sửa đổi như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... Hiện nay, nhiều nội dung trong các dự thảo này còn ý kiến khác nhau. Mặc dù nghị quyết này hoàn toàn có thể quy định khác với các luật đó, song vẫn phải bảo đảm khả thi, hợp lý.

Năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM với nhiều cơ chế đặc thù nhằm tạo động lực mới để đô thị 13 triệu dân bứt phá. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, kết quả vẫn chưa như mong đợi. Hầu hết chính sách đặc thù về quản lý tài chính nhằm tăng nguồn thu như cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, nguồn thu từ đấu giá tài sản công chưa thực hiện được.

Tú Viên