Nhiều hộ dân bị mất điện lúc nắng nóng gay gắt, ngành điện nói gì?

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:39, 18/05/2023

Nhiều hộ dân ở quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết vào sáng và trưa nay (18.5), điện liên tục bị cắt do sự cố cung cấp điện.

Ngày 18.5, một số hộ dân ở khu vực quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết trong buổi sáng và buổi trưa hôm nay khi gia đình đang sinh hoạt thì bị mất điện. Trước đó, tại một số quận huyện như Hoàng Mai, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm... cũng xảy ra tình trạng tương tự liên quan đến sử dụng điện.

cung-ung-dien(1).jpg
Tình hình cung ứng điện ở nhiều khu vực hiện đang gặp nhiều khó khăn - Ảnh: Internet

Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) cho biết hiện Hà Nội chưa có kế hoạch cắt điện, nếu có sẽ thông báo cho dân. Theo đại diện đơn vị này, trong buổi sáng nay đường trục truyền tải điện gặp sự cố, một số đường dây, trạm biến áp vận hành bị quá tải dẫn đến việc cấp điện bị gián đoạn cục bộ tại một số khu vực.

Theo EVNHANOI, Hà Nội đang trải qua đợt nắng nóng cao điểm. Để tiết kiệm điện, người dân chủ động kiểm soát lượng điện tiêu thụ bằng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tránh chi phí tiền điện tăng cao vào các thời gian cao điểm nắng nóng.

Thời tiết nắng nóng khiến người dân phải sử dụng nhiều thiết bị làm mát, do vậy lượng điện tiêu thụ công suất cao tăng, chi phí tiền điện cũng tăng cao, thậm chí tăng đột biến vào kỳ hóa đơn tiền điện các tháng 5, 6 hằng năm. Để người dân giảm bớt nỗi lo “tiền điện” mỗi mùa hè, Tổng công ty Điện lực Hà Nội khuyến nghị cách sử dụng thiết bị điện đúng cách nhằm tăng tuổi thọ thiết bị cũng như tiết kiệm điện ở mức tối ưu.

Trao đổi với báo chí về tình hình thiếu điện và thực tế cắt điện luân phiên đang xuất hiện ở một vài khu vực ngày 18.5, ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho hay trong thời kỳ nắng nóng và mùa khô hằng năm, luôn phải đối mặt khó khăn về đảm bảo cung ứng điện.

Nguồn thủy điện, năng lượng tái tạo phụ thuộc vào thời tiết, nhưng nhiều hồ thủy điện thiếu nước, về mực nước chết và gây khó khăn cho vận hành, cung ứng điện.

Trước tình trạng trên, ông Hòa khẳng định Bộ Công Thương có nhiều giải pháp để ứng phó. Cụ thể, bộ đã có nhiều văn bản chỉ đạo cung ứng nhiên liệu than, khí để phát điện. Ngay trong tháng 5, bộ đã tổ chức họp với các tập đoàn để có chỉ đạo cụ thể, với quan điểm nỗ lực cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, bộ yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm các kế hoạch về cung cấp điện, cung cấp than cho phát điện, đàm phán nguồn điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp để huy động nguồn điện, khắc phục sự cố tại các nhà máy, thực hiện tiết kiệm điện... để giảm căng thẳng cung ứng điện.

Trong khi đó, ngành điện khuyến cáo người dân, doanh nghiệp nên hình thành thói quen lựa chọn sử dụng các thiết bị điện có chỉ số hiệu suất cao và đánh giá độ tiết kiệm năng lượng. Sử dụng các thiết bị điện thông minh để tự động tắt khi không sử dụng hoặc khi không có người dùng. Sử dụng đèn LED thay thế cho các loại đèn truyền thống khác, tiêu thụ ít điện năng hơn so với đèn huỳnh quang, và có tuổi thọ cao hơn.

Các hộ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp sử dụng các công cụ giám sát và quản lý năng lượng để kiểm soát và giảm thiểu lượng điện tiêu thụ. Chẳng hạn lắp đặt hệ thống giám sát năng lượng để theo dõi các hoạt động tiêu thụ điện, thiết lập các chương trình giảm thiểu điện trong giờ cao điểm, hoặc thực hiện các cuộc khảo sát về tình trạng sử dụng năng lượng. Đầu tư, cải tiến, thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu, hiệu suất thấp bằng các thiết bị có hiệu suất cao và tiết kiệm điện. Đào tạo và nâng cao nhận thức tiết kiệm, sử dụng điện hiệu quả của nhân viên và người lao động trong doanh nghiệp.

Tuyết Nhung