Cúng Tất niên 30 tháng Chạp, tuyệt đối không để ‘cành vàng lá ngọc’ trên bàn thờ
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 15:01, 13/02/2018
Cúng Tất Niên là một lễ truyền thống của người Việt được tiến hành vào chiều và tối 30 Tết. Sau lễ cúng là bữa ăn tất niên, dịp để cả gia đình quây quần bên nhau.
Trong những năm gần đây, một số gia đình hiện đại có xu hướng làm lễ cúng tất niên sớm hơn 1 hay 2 ngày vì một lý do nào đó, có thể là đi xa, du lịch… Năm nay năm nay lễ cúng Tất niên rơi vào hai ngày 29 và 30 tháng Chạp năm Đinh Dậu, tức ngày 14 và 15 tháng 2 năm 2018.
Trong bữa tất niên này, chủ nhà sẽ làm một mâm cỗ sung tổ tiên với các món cúng Tất niên, kết hợp cùng các lễ vật cúng tất niên.
Về cơ bản, tại gia đình vào ngày 30 Tết cần chuẩn bị hai mâm, một mâm cúng Tất niên và sau đó là ăn tối. Việc cúng kiếng, sắp đặt trên bàn thờ được thực hiện sau khi dọn dẹp bàn thờ sạch sẽ và tuân thủ những nguyên tắc cấm kỵ trong việc dọn bàn thờ đón Tết. Người đàn ông lớn tuổi nhất trong nhà hoặc chủ nhà thắp hương và đọc văn khấn, rồi các thành viên khác làm lễ vái. Nội dung chính là mời thần linh, gia tiên về ăn Tết cùng gia đình.
Mâm cơm cúng tất niên chủ yếu thể hiện được tấm lòng của người cúng để tri ân đất, trời, thần linh đã phù hộ gia đình trong năm qua nên không cần cầu kỳ và cái chính là tấm lòng thành của gia chủ.
Một mâm cỗ tất niên đơn giản, đầy đủ thường có hương hoa, vàng mã, nến, trầu cau, rượu, bánh chưng và cỗ mặn với các món ăn đặc trưng của ngày Tết.
Mâm lễ cúng tất niên thường gồm: Mâm ngũ quả, hương hoa, giấy tiền vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (hoặc bánh tét)... Cỗ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn ngày Tết, được chế biến thơm ngon tinh khiết, bày biện đầy đặn, trang nghiêm.
Hiện nay, mâm cơm cúng tất niên ở miền Bắc thường là 4 bát, 4 đĩa; cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa. 4 bát, 4 đĩa gồm: bát giò heo hầm măng lưỡi lợn, bát bóng thả, bát miến, bát mọc; 4 đĩa gồm: đĩa thịt gà, đĩa thịt heo, đĩa giò lụa, đĩa chả quế. Nếu 6 bát sẽ bao gồm: Măng, bóng, mực, nấm thả, miến, mọc; 8 đĩa gồm: Thịt gà luộc, giò lụa, chả quế, trứng muối, dưa hành, bánh chưng, lòng gà xào dứa và cá kho.
Sở dĩ mâm cúng có đầy đủ các món ăn như vậy bởi quanh năm chỉ có ngày Tết mới được thưởng thức các món ăn ngon như vậy. Bên cạnh đó mâm cỗ Tết còn thể hiện sự no ấm, hạnh phúc của mỗi gia đình, cũng như ước mong một năm mới đầy đủ, thịnh vượng và phát đạt.
Mâm cơm tất niên miền Trung hay có bánh chưng, bánh tét, giò lụa, gà bóp rau răm, thịt heo luộc, giá chua…
Đối với mâm cỗ tất niên miền Nam có bánh tét, canh măng, thịt kho tàu, gỏi tôm thịt, nem, chả giò, dưa hành củ kiệu …
Theo thời gian và sự phát triển của xã hội, mâm cỗ tất niên ngày nay đã mất đi dần những món ăn truyền thống bởi lẽ cuộc sống ngày nay đã sung túc hơn. Các bà nội trợ có thể làm bất cứ những món ăn ngon lúc nào, mà thay thế vào mâm cơm tất niên ngày nay là những món ăn đặc sản, hiện đại hoặc khẩu vị ăn uống của từng gia đình cũng khác nhau như các loại nem rán, nem chua, chân giò muối, đĩa nộm hay thịt bò kho…
Mâm ngũ quả cúng gia tiên nên chọn các loại hoa quả thông dụng, đẹp mắt và phải là hoa quả vừa đủ chín có thể ăn được. Đồng thời, để ở 2 bên bàn thờ cùng một ít vàng mã tượng trưng chứ không để đối diện bát hương.
Một trong những điều cấm kỵ trong việc bày biện lễ cúng tất niên là không cắm cành vàng lá ngọc (hàng mã) lên bàn thờ vì có chứa nhiều trường khí âm, không tốt cho gia đình.
Minh An (Tổng hợp)