NASA, TSA, FAA, FCC thuộc nhóm liên ngành của Mỹ tạo chiến lược về taxi bay
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 23:20, 16/05/2023
Bộ Giao thông Mỹ cho biết nhóm này bao gồm Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA), Cục An ninh Vận tải (TSA), Cục Hàng không Liên bang (FAA) và Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC).
Máy bay điện cất hạ cánh thẳng đứng (eVTOL) đã được quảng cáo là tương lai của di chuyển hàng không đô thị. Các loại máy bay di chuyển trong không gian đô thị ở độ cao thấp đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ trên toàn cầu, với nhiều công ty eVTOL sẽ niêm yết.
Đầu tháng 5, FAA đã ban hành "bản thiết kế cập nhật" cho không gian hàng không và các thay đổi khác để phù hợp với các dịch vụ taxi bay trong tương lai. Năm ngoái, FAA đã đưa ra một đề xuất cập nhật định nghĩa hãng hàng không của mình để thêm các hoạt động powered-lift vào các quy định liên quan các hoạt động thương mại khác như chuyến bay thuê (được thuê toàn bộ hoặc một phần bởi nhóm người hoặc tổ chức cụ thể), chuyến bay tham quan không gian.
Powered-lift là thuật ngữ để chỉ loại hoạt động hàng không, trong đó máy bay có khả năng sử dụng sức mạnh động cơ để tạo lực nâng trong quá trình cất cánh và hạ cánh.
FAA cho biết theo kế hoạch chi tiết, các hoạt động taxi bay sẽ bắt đầu với tốc độ thấp, tương tự như máy bay trực thăng và sử dụng các tuyến đường cùng cơ sở hạ tầng hiện có như sân bay trực thăng cùng sân bay thẳng đứng (khu vực được sử dụng cho các hoạt động cất và hạ cánh của máy bay theo phương thẳng đứng).
Ngoài ra, FAA đang phát triển một quy định riêng về hoạt động powered-lift để chứng nhận phi công và yêu cầu vận hành để lái eVTOL. Cơ quan này dự kiến sẽ công bố đề xuất này trong mùa hè năm nay.
Billy Nolen, Quyền Quản trị viên FAA, cho biết cơ quan không mong đợi eVTOL đầu tiên bắt đầu hoạt động thương mại cho đến cuối năm 2024 hoặc đầu 2025.
Các hãng hàng không và công ty khác đang xem xét phát triển dịch vụ vận tải sử dụng máy bay chạy bằng pin có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng để chở khách đến sân bay hoặc cho các chuyến đi ngắn trong thành phố, giúp họ tránh kẹt xe.
Năm ngoái, FAA đã ban hành các tiêu chí đủ điều kiện bay mà công ty khởi nghiệp Joby Aviation sẽ cần phải đáp ứng với mẫu JAS4-1 để taxi bay này được chứng nhận sử dụng.
FAA cũng ban hành các tiêu chí đủ điều kiện bay mà hãng Archer Aviation cần phải đáp ứng để mẫu taxi bay M001 được cấp chứng nhận sử dụng.
Joby Aviation đã phát triển eVTOL trong nhiều năm. Mẫu taxi bay của Joby Aviation có thể chở 1 phi công và 4 hành khách đạt tốc độ bay 322 km/h, với tầm hoạt động 241km cho mỗi lần sạc. Joby Aviation hy vọng trở thành hãng đầu tiên đạt chứng nhận từ FAA trong năm nay và hướng tới bắt đầu dịch vụ chở khách vào năm 2024.
Delta Air Lines đã đầu tư 60 triệu USD vào Joby Aviation trong quan hệ đối tác nhằm cung cấp dịch vụ vận chuyển bằng taxi bay cho hành khách đến và đi từ các sân bay ở thành phố New York, Los Angeles trong vòng vài năm.
Mỹ và Hàn Quốc hợp tác phát triển dịch vụ taxi bay tiên tiến
Hồi tháng 1, Mỹ và Hàn Quốc đã ký tuyên bố hợp tác về các dự án phát triển và vận hành dịch vụ taxi bay tiên tiến (AAM).
Ngày 7.1, FAA cho biết đã nhất trí hợp tác với Văn phòng Hàng không Dân dụng Hàn Quốc (KOCA) trong việc phát triển và vận hành AAM trong tương lai.
Theo FAA, hai nước đã ký một tuyên bố hợp tác và chia sẻ thông tin về các dự án AAM cũng như thúc đẩy hoạt động giám sát an toàn của các dự án AAM.
Billy Nolen nhấn mạnh: "Việc hợp tác với các đối tác quốc tế để tích hợp an toàn các công nghệ mới này sẽ đưa ra các phương án vận chuyển hiệu quả, bền vững và hợp lý hơn".
Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh các công ty trên khắp thế giới đang chạy đua để phát triển và cuối cùng giành được sự chấp thuận theo quy định để triển khai dịch vụ taxi bay tầm thấp.
FAA trước đó đã công bố quan hệ đối tác tương tự với Nhật Bản, Vương quốc Anh, Canada, Úc và New Zealand trong Mạng lưới Cơ quan Hàng không Quốc gia (NAAN) để làm hài hòa các kế hoạch tích hợp và chứng nhận cho các dự án AAM.
Thử nghiệm thành công taxi bay trong đường hầm gió
Theo hãng tin Reuters, Eve Holding Inc (Brazil) đã thành công bước thử nghiệm taxi bay trong môi trường đường hầm gió. Đây là bước thử nghiệm quan trọng trước khi thực hiện các bước tiếp theo trong điều kiện bay thực tế.
Các thử nghiệm trong đường hầm gió được thực hiện ở Thụy Sĩ, bằng mô hình theo tỉ lệ nhất định so với kích thước thật. Việc thử nghiệm trong môi trường đường hầm gió giúp các nhà nghiên cứu xem xét mô hình bay sẽ chịu tác động như thế nào trong điều kiện bay thực tế.
Luiz Valentini, Giám đốc công nghệ của Eve Holding Inc, cho biết: “Thông tin thu được trong giai đoạn thử nghiệm này giúp chúng tôi tinh chỉnh các giải pháp kỹ thuật của eVTOL, trước khi đưa vào sản xuất nguyên mẫu để vận hành trong điều kiện thực tế”.
Eve Holding Inc đã nhận được gần 2.800 đơn đặt hàng trước khi bắt đầu sản xuất, với sự đầu tư của hãng hàng không United Airlines (Mỹ) và Rolls-Royce. Các taxi bay tương lai sẽ vận hành thương mại vào năm 2026, theo thông báo của Eve Holding Inc.
Trước đó, công ty Supernal thuộc tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) đang nghiên cứu phát triển taxi điện dân dụng phục vụ nhu cầu di chuyển trên không trong tương lai. Supernal đã hợp tác chiến lược với Echodyne (Mỹ) để nâng cao hệ thống định vị trên các taxi bay dân dụng của hãng. Theo Supernal, các taxi bay của hãng sẽ vận hành chính thức vào năm 2028.
Đường hầm gió là các đường ống lớn có gió được thổi dọc theo đường ống. Đường hầm gió được sử dụng cho mục đích mô phỏng lại trạng thái của một vật thể bay trong không khí hoặc vật thể di chuyển trên mặt đất. Các nhà nghiên cứu thường sử dụng đường hầm gió để tìm hiểu thêm về cơ chế bay của máy bay.
Một số đường hầm gió đủ lớn để có thể thử nghiệm các phương tiện với kích cỡ thật. Trong đường hầm gió, dòng khí di chuyển xung quanh vật thể làm cho vật thể giống như đang thực sự bay trong không khí.