Giảm 2% thuế GTGT: 'Đòn bẩy' kích cầu tiêu dùng từ người dân
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 12:53, 12/05/2023
Mới đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái thay mặt Chính phủ chấp thuận đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống 8% đối với tất cả các loại hàng theo đề xuất của Bộ Tài chính.
Theo đó, người dân sẽ là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này. Do việc giảm thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống người dân.
Chị Nguyễn Thị Minh Thu (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết hằng ngày chị đều phải vào siêu thị mua đồ, những thức dùng cần thiết để phục vụ cuộc sống như dầu ăn, bột giặt, bỉm, sữa... Mỗi tuần chị phải chi tới 2 triệu đồng cho thực phẩm và 4 triệu đồng cho bỉm sữa của 2 đứa con nhỏ. Chi phí sinh hoạt mỗi tháng của gia đình chị khoảng 12 triệu đồng.
"Việc giảm 2% thuế GTGT dù không lớn nhưng đó là sự hỗ trợ cần thiết cho người dân, nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay. Khi thuế GTGT được giảm thì gia đình tôi lại tiết kiệm được thêm một khoản tiền để trang trải cuộc sống hằng ngày", chị Minh Thu nói.
Không chỉ chị Minh Thu, nhiều bà nội trợ khác với trách nhiệm phải cân đối từng khoản chi tiêu cho gia đình cũng nhẹ lòng hơn khi nhận được tin vui giảm thuế GTGT từ Chính phủ. Gia đình nào chi tiêu bình quân 10 triệu/tháng thì tiết kiệm được 200.000 đồng/tháng, nếu 20 triệu/tháng thì tiết kiệm được 400.000 đồng/tháng... Khoản tiền này cũng giúp các gia đình mua thêm thực phẩm hoặc những đồ dùng thiết yếu cho cuộc sống sinh hoạt.
Đối tượng thứ 2 hưởng lợi đó chính là các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT thuế suất 10%. Việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Vì vậy, không chỉ người dân mà các doanh nghiệp cũng mong chờ được giảm thuế GTGT. Nhiều hiệp hội ngành hàng cũng ủng hộ đề xuất giảm thuế GTGT 2%. Hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM phản ánh, từ cuối năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi áp lực lãi suất tăng nhanh, giá nguyên liệu và chi phí vận chuyển tăng cao. Nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng. Giảm thuế GTGT sẽ trợ lực cho doanh nghiệp bớt gánh nặng về chi phí sản xuất, qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Anh Phạm Thành Luân - Giám đốc một doanh nghiệp tư nhân chuyên về sắt thép ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) chia sẻ, chính sách giảm thuế GTGT sẽ giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể. Với mức độ vận hành hiện nay, mỗi quý anh Luân có thể giảm được 1 tỉ đồng. Số tiền này có thể giúp doanh nghiệp mở rộng đầu tư, đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định.
Trong khi đó, anh Nguyễn Hoài Nam - chủ một hãng xe khách ở quận Đống Đa (Hà Nội) cũng vui mừng nói có thể tiết kiệm được 600.000 đồng phí đường cao tốc mỗi tháng với một xe khách 29 chỗ. Với 5 chiếc xe 29 chỗ thì anh có thể tiết kiệm được 3 triệu đồng mỗi tháng phí đường cao tốc hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam đánh giá, chính sách giảm thuế GTGT là rất cần thiết đối với doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp rất khó khăn, số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động liên tục tăng lên như hiện nay... Do đó, việc tiếp tục giảm thuế GTGT sẽ mang lại kết quả tích cực, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tái sản xuất.
Với phương án giảm thuế này, theo bà Cúc, cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, không gặp khó khăn khi phân biệt thuế suất đối với hàng hóa dịch vụ có thuế suất khác nhau được giảm và không được giảm, giảm thiểu các trường hợp sai sót viết hóa đơn chứng từ, điều chỉnh hóa đơn chứng từ.
"Mặt khác, thời điểm đề xuất giảm thuế GTGT năm 2023 là ngắn hơn năm 2022 nên việc giảm toàn bộ cho các mặt hàng đang áp dụng thuế suất 10% xuống 8%, ngoài việc tạo thuận lợi thì còn là cú hích cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19", bà Cúc cho hay.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giảm 2% thuế GTGT cho tất cả hàng hóa, dịch vụ (thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10%) trong thời gian 6 tháng, tổng số tiền thuế giảm khoảng 35.000 tỉ đồng. Năm 2022, tổng gói hỗ trợ giảm thuế GTGT khoảng 44.000 tỉ đồng, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định: "Doanh nghiệp là trung tâm của sự phát triển, nếu doanh nghiệp phát triển thì sẽ thanh toán được nợ ngân hàng,thanh toán được nợ trái phiếu, tạo được công ăn việc làm, thanh toán được bảo hiểm,nộp thuế đầy đủ. Như vậy, chính sách tài khóa sẽ ngày một vững mạnh. Vì vậy, các hành động chúng tôi đều hướng về doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp".
Năm 2022, việc giảm thuế GTGT, giảm tiền thuê đất, giảm 37 loại phí đã khiến ngân sách hụt thu 98.000 tỉ đồng, sau đó còn thực hiện gia hạn 135.000 tỉ đồng tiền thuế nhưng năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước vẫn đạt 1 triệu 803.600 tỉ đồng, bằng 127,8% dự toán, tăng 15% so với năm 2021. Điều này cho thấy các chính sách hỗ trợ về thuế, phí đã thực sự có hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế.