Nhà Trắng: Google, Microsoft, OpenAI có nghĩa vụ ngăn AI gây hại nghiêm trọng cho xã hội

Thế giới số - Ngày đăng : 13:31, 05/05/2023

Nhà Trắng hôm 4.5 nói với giám đốc điều hành các hãng công nghệ lớn ở Mỹ rằng họ có nghĩa vụ về "đạo đức" để bảo vệ xã hội khỏi những nguy cơ tiềm ẩn của trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo hãng tin AP, Phó tổng thống Mỹ - Kamala Harris đã triệu tập những người đứng đầu Google, Microsoft, OpenAI và Anthropic để lập chiến lược về tác động của AI, vì lo ngại rằng các công ty đang mù quáng tiến hành triển khai công nghệ có thể gây hại nghiêm trọng cho xã hội.

Bà Kamala Harris nói với các giám đốc điều hành, gồm cả Sundar Pichai của Google và Satya Nadella của Microsoft, rằng họ có nghĩa vụ về “đạo đức” để bảo vệ xã hội khỏi những nguy cơ tiềm ẩn từ AI.

Sau cuộc đàm phán, Phó tổng thống Mỹ cho biết các hãng công nghệ lớn “phải tuân thủ luật pháp hiện hành để bảo vệ người dân Mỹ cũng như đảm bảo an toàn và bảo mật cho các sản phẩm của họ”.

Tổng thống Mỹ - Joe Biden cũng nhấn mạnh vào điểm đó khi ông tham gia cuộc họp trong thời gian ngắn, nói với các giám đốc điều hành rằng: “Những gì bạn đang làm có tiềm năng to lớn và nguy hiểm cũng rất lớn. Tôi biết bạn hiểu điều đó. Tôi hy vọng bạn có thể giới thiệu cho chúng tôi về những gì bạn nghĩ là cần thiết nhất để bảo vệ xã hội cũng như sự tiến bộ”.

nha-trang-google-microsoft-openai-co-nghia-vu-ngan-ai-gay-hai-nghiem-trong-cho-xa-hoi.jpg
Ông Biden và bà Kamala Harris nói chuyện với giám đốc điều hành các hãng công nghệ lớn về AI trong cuộc họp tại Nhà Trắng - Ảnh: Twitter

Ông Biden đã thúc giục Quốc hội Mỹ thông qua luật thiết lập các giới hạn chặt chẽ hơn với lĩnh vực công nghệ, song những nỗ lực này có rất ít cơ hội thành công do sự chia rẽ chính trị.

Việc thiếu các quy định đã cho phép Thung lũng Silicon tự do tung ra các sản phẩm mới một cách nhanh chóng và làm dấy lên lo ngại rằng các công nghệ AI sẽ tàn phá xã hội trước khi chính phủ Mỹ có thể bắt kịp.

Việc đối phó với các vấn đề liên quan đến AI trước khi chúng trở nên quá phức tạp là điều tốt. Đó chắc chắn sẽ là một thách thức nhưng là điều mà tôi nghĩ chúng ta có thể xử lý”, Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI, nói với các phóng viên trước cuộc họp.

OpenAI đã đi đầu trong việc cung cấp AI cho người tiêu dùng hàng ngày, với việc phát hành ChatGPT, chatbot AI đã gây chấn động toàn cầu, vào cuối tháng 11.2022.

Hồi tháng 1, Microsoft công bố đầu tư thêm hàng tỉ USD vào OpenAI. Sau đó, Microsoft đã nhanh chóng tích hợp chatbot AI vào công cụ tìm kiếm Bing và các sản phẩm khác để tạo ra các phản hồi trông tự nhiên từ các yêu cầu của người dùng.

Hôm 4.5, Microsoft đã mở rộng quyền truy cập công khai vào các chương trình generative AI này, bất chấp những lời chỉ trích và cuộc họp tại Nhà Trắng.

Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo mà máy tính được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu hoặc học máy trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.

Microsoft đang lên kế hoạch thêm loạt tính năng mới vào công cụ tìm kiếm và trò chuyện của Bing.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Bloomberg, Yusuf Mehdi, Phó chủ tịch Microsoft, cho biết công ty có thể thêm các tính năng như đăng tải hình ảnh rồi đặt câu hỏi để duy trì động lực đổi mới trên thị trường.

Người dùng có thể tìm kiếm hình ảnh, ví dụ như chú gấu bông được đan móc, rồi hỏi Bing: "Tôi làm cái này như thế nào?". Công cụ AI sau đó đề xuất các trang web "Làm thế nào để đan móc?" và các dự án thủ công khác để người dùng khám phá.

Yusuf Mehdi nói tính năng tìm kiếm trực quan này sẽ có sẵn trong vài tuần đến vài tháng tới. Nó sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn GPT-4, cái gọi là tính năng đa phương thức kết hợp giữa văn bản và hình ảnh.

Yusuf Mehdi cho biết các tính năng khác sẽ sớm được triển khai cho Bing như khả năng sử dụng các dịch vụ của bên thứ ba như OpenTable (công ty cung cấp dịch vụ đặt chỗ nhà hàng trực tuyến) và Wolfram Alpha (dịch vụ tính toán trực tuyến) thông qua trò chuyện Bing (Bing chatbot) và nhận câu trả lời gồm video và biểu đồ.

Tại buổi trình diễn ở quận Manhattan (thành phố New York, Mỹ), các đại diện của Bing đã giới thiệu một số tính năng trong thử nghiệm thực tế, cho thấy cách người dùng có thể nhập, ví dụ "Tìm giúp tôi một chỗ ăn tối cho hai người tại New York vào tối nay" và nhận được một liên kết đến dịch vụ đặt bàn OpenTable.

Yusuf Mehdi nói: “Trò chuyện thực sự là thứ gây được tiếng vang với mọi người và thực tế đang thay đổi tìm kiếm. Ông nói thêm rằng khoảng 70% người dùng thử các tính năng trò chuyện đang sử dụng chúng cho các tác vụ liên quan đến tìm kiếm và Microsoft nhận thấy những khách hàng đó thực hiện nhiều lượt tìm kiếm hơn”.

Tháng trước, Satya Nadella - Giám đốc điều hành Microsoft cho biết số lượt cài đặt ứng dụng đã tăng gấp 4 lần kể từ khi ra mắt Bing tích hợp AI. Satya Nadella nói Bing đã tăng thị phần tại thị trường Mỹ trong quý 1/2023 nhưng không cung cấp các số liệu cụ thể.

Theo Satya Nadella, Microsoft đã đạt được tiến bộ nhưng vẫn đang giải quyết các vấn đề như thông tin sai lệch và câu trả lời không chính xác hoặc không đầy đủ với Bing.

Những rủi ro từ AI như khả năng sử dụng nó để lừa đảo, tạo bản sao giọng nói, video deepfake và thông điệp được viết đầy thuyết phục. AI cũng là mối đe dọa với người làm công việc văn phòng, đặc biệt là việc không yêu cầu kỹ năng cao, thường liên quan đến xử lý tài liệu, nhập liệu, quản lý cơ sở dữ liệu, hỗ trợ khách hàng…

Vào tháng 3, Elon Musk và hơn 1.800 chuyên gia đã kêu gọi tạm dừng phát triển các hệ thống AI mạnh mẽ hơn GPT-4 của OpenAI để có thời gian đảm bảo chúng an toàn, dù việc này được coi là khó xảy ra.

Nhà Trắng đã sử dụng cuộc họp hôm 4.5 để công bố các hành động mới nhằm “thúc đẩy sự đổi mới có trách nhiệm của Mỹ trong lĩnh vực AI”. Điều này bao gồm cả việc cấp quỹ 140 triệu USD để mở rộng nghiên cứu AI và thiết lập một hệ thống đánh giá sẽ hợp tác với các hãng công nghệ lớn để “khắc phục sự cố”.

David Harris, giảng viên tại Trường Kinh doanh Haas thuộc Đại học California – Berkeley (Mỹ), cho biết: “Đừng hy vọng rằng điều này sẽ dẫn đến bất kỳ điều gì đặc biệt có ý nghĩa, nhưng đó là một khởi đầu tốt”.

Google, Meta Platforms và Microsoft đã dành nhiều năm làm việc trên các hệ thống AI để hỗ trợ dịch thuật, tìm kiếm trên internet, bảo mật và quảng cáo được nhắm mục tiêu. Song vào cuối năm ngoái, OpenAI đã đưa generative AI đến rộng rãi với cộng đồng khi ra mắt ChatGPT, buộc các đối thủ phải chạy theo.

Hôm 21.3, Google đã mời người dùng thử nghiệm Bard, chatbot AI của mình. Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook) chỉ ra các ứng dụng AI trong công nghệ quảng cáo của mình.

Cũng trong tháng 3, Elon Musk đã thành lập công ty AI mang tên X.AI, có trụ sở tại bang Nevada (Mỹ), theo các tài liệu kinh doanh. Đến tháng 4, Elon Musk cho biết sẽ ra mắt một nền tảng AI có tên TruthGPT để thách thức ChatGPT.

Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã đưa AI vào tầm ngắm trước cuộc họp tại Nhà Trắng, cho thấy chính phủ Mỹ sẽ không tụt lại phía sau khi thiết lập các quy tắc và rào cản.

Liệu chúng ta có thể tiếp tục là ngôi nhà của công nghệ hàng đầu thế giới mà không chấp nhận các mô hình kinh doanh chạy đua đến cùng và kiểm soát độc quyền không? Có – nếu chúng ta đưa ra những lựa chọn chính sách đúng đắn”, Lina Khan, Chủ tịch FTC, viết trong một bài báo trên tờ The New York Times.

Sơn Vân