Cận cảnh hành trình 'tự sát' của Mặt Trăng sao Hỏa

Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 07:13, 23/07/2017

NASA đã cực kỳ may mắn khi chụp được những bức hình cực độc về đường bay của mặt trăng siêu tốc của sao Hỏa là Phobos.
Phobos, mặt trăng siêu tốc của sao Hỏa

NASA đã công bố một video mới quay cận cảnh di chuyển siêu tốc của mặt trăng của sao hỏa là Phobos được Kính viễn vọng Không gian Hubble ghi lại.

Trên thực tế, hình ảnh mà chúng ta thấy là cực kỳ may mắn do Phobos tự "xuất đầu lộ diện" trong 13 tấm ảnh mà Hubble chụp sao Hỏa trong 22 phút chứ các nhà khoa học không hề có chủ ý chụp vệ tinh này.

Phobos có nghĩa là "sợ hãi" nhưng theo các khoa học gia của NASA thì đoạn video mà họ tái tạo lại về hành trình "tự sát" của Mặt Trăng này sẽ truyền cảm hứng đam mê khoa học nhiều hơn là lo lắng.

Ngoài Phobos, sao Hỏa còn có một vệ tinh khác là Deimos (kinh hoàng), cả hai được đặt tên theo con của Thần chiến tranh trong thần thoại La Mã vốn là tên chính thức của sao Hỏa.

Clip hành trình siêu tốc của Phobos:

Phobos được xem là mặt trăng siêu tốc của sao Hỏa do vệ tinh này chỉ mất 7 giờ 39 phút để bay một vòng quỹ đạo quanh sao Hỏa. Tốc độ này là hoàn toàn đáng kinh ngạc khi nó còn nhanh hơn tốc độ tự quay của bản thân sao Hỏa.

Chính vì thế Phobos mọc ở phía tây, di chuyển khá nhanh ngang qua bầu trời sao Hỏa trong vòng 4 giờ 15 phút hay ít hơn và lặn ở phía đông. Mặt Trăng này lại xuất hiện tới gần hai lần một ngày 11 giờ 6 phút một lần.

Để so sánh, Mặt Trăng của chúng ta phải mất tới 28 ngày để kết thúc một quỹ đạo quanh Trái Đất, có nghĩa là thời gian đủ để Phobos hoàn thành 84 lần quay quanh sao Hỏa.

Mặt Trăng của sao Hỏa cũng khá đặc biệt khi nó bay rất sát hành tinh mẹ. Phobos duy trì khoảng cách chỉ cách sao Hỏa có 6.000km mà thôi. Điều này có nghĩa là nếu bạn sống trên sao Hỏa thì có một số vùng bạn sẽ không bao giờ thấy được mặt trăng Phobos.

Ngược lại, nếu đứng trên Phobos bạn sẽ chứng kiến một hình ảnh vô cùng choáng ngợp là sao Hỏa chiếm tới 1/4 diện tích bầu trời mà bạn thấy được.

Không chỉ bay sát hành tinh mẹ, Phobos cũng có kích thước rất bé, bán kính chỉ 11,9km và là mặt trăng tự nhiên nhỏ nhất của Hệ Mặt Trời. Không chỉ bé, Phobos là một Mặt Trăng không có dạng hình cầu và trên bề mặt chi chít miệng núi lửa.

Theo các nhà thiên văn học, với kích thước nhỏ bé và tốc độ bay nhanh của mình bề mặt Phobos sẽ bị rạn nứt do tác động của Hành tinh Đỏ. NASA cho biết lực tác động từ sao Hỏa lên Phobos khiến Mặt Trăng này bị những vết nứt dài trên bề mặt.

Cuối cùng, Mặt Trăng của Sao Hỏa đang thực hiện một hành trình "tự sát" quanh hành tinh mẹ của nó. Cứ mỗi một trăm năm, vệ tinh này sẽ lại gần sao Hỏa hơn khoảng 2 mét. Trong khoảng 20 đến 50 triệu năm tới Phobos sẽ rơi thẳng xuống sao Hỏa, hoặc là vỡ vụn ra thành nhiều mảnh nhỏ hơn bay xung quanh hành tinh này.

Ái Vi