Cách bày trí đúng và một số kiêng kỵ trong việc sắp đặt trên bàn thờ ngày Tết

Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 11:32, 18/01/2017

Tùy theo không gian ngôi nhà, điều kiện sinh hoạt mà mỗi gia đình có cách bày trí bàn thờ gia tiên khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, cách bài trí đều theo một nguyên tắc phong thủy nhất định.

Thông thường, trên bàn thờ người ta thường bày từ 1 đến 3 bát nhang. Đối với các gia đình người Bắc, thường có bát ở giữa thờ chung thần linh thổ địa, bát hương hai bên là thờ gia tiên và bà cô ông mãnh, còn đối với một số gia đình người Nam có bàn thờ thổ địa riêng.

Ở một số gia đình người Nam thì Thổ Địa, Thần Tài thờ riêng

Trong phong thủy, ngoài vị trí đặt phòng thờ và bàn thờ thì việc xác định tọa hướng, sắp đặt trên bàn thờ cũng rất quan trọng.

Phía trước bát nhang: Ở giữa bày cái đài nhỏ, với ba chén đựng nước sạch, hai bên là hai đĩa bày hoa quả tươi, trầu cau, hoặc tiền vàng mã.

Phía sau bát hương: Là bộ bình để hoa tươi, hương và nến. Tùy theo chất liệu đồ sứ hoặc đồng mà có sự bài trí khác nhau.

Bàn thờ là nơi linh thiêng và quan trọng trong nhà, vì thế, bạn nên lưu ý một số điều kiêng kỵ sau.

Bàn thờ không đặt cạnh tường bếp đun, không dựa lưng vào nhà vệ sinh, hay không nằm dưới hay trên vệ sinh, hạn chế đặt ở ban công. Trong phong thủy, bàn thờ được coi như kháo sơn, vì vậy cần đặt ở nơi có sơn tinh đang vượng.

Thêm nữa, bạn cũng nên nhớ rằng, bàn thờ là nơi thờ cúng thần linh, gia tiên chứ không phải nơi trưng bày hoặc để phô trương, vì thế, những thứ không liên quan đến thờ cúng không bày lên bàn thờ, nhất là giấy công đức ở đình chùa. Nếu thờ gia tiên cùng Phật hay thờ mẫu, cần tách riêng bàn thờ Phật hay thờ mẫu, bàn thờ gia tiên để thấp hơn và tách biệt.

Quan trọng nhất là khi bày biện đồ cúng, chỉ nên trưng hoa quả tươi, hoa tươi và nước sạch. Tránh các loại đồ giả như hoa quả nhựa. Đồ thờ cúng xong rồi nên bỏ xuống để thụ lộc, tránh bày để từ tháng này qua tháng khác. Không nên để lễ mặn, hay tiền mặt lên bàn thờ.

Minh An (TH)