Mỹ đối mặt khủng hoảng quan hệ với đồng minh sau vụ rò rỉ tài liệu mật
Quốc tế - Ngày đăng : 14:33, 11/04/2023
Politico dẫn nguồn thạo tin cho biết, sau khi một lượng lớn tài liệu tình báo “tuyệt mật” chứa nhiều thông tin chi tiết liên quan tới quốc phòng, an ninh của Mỹ bất ngờ xuất hiện trên các trang mạng xã hội, các quan chức tình báo cấp cao, Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc đã liên hệ với các đồng minh để xoa dịu những lo lắng về thông tin bị rò rỉ.
Theo một quan chức tình báo Mỹ, các thành viên của Five Eyes (Ngũ nhãn) - liên minh tình báo gồm Mỹ, Canada, Anh, Úc và New Zealand - đã yêu cầu Washington tổ chức các cuộc họp nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi. Hàng loạt thắc mắc đã được gửi riêng đến Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ, Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) và Cục Điều tra liên bang (FBI).
Giới chức ở London, Brussels, Berlin, Dubai và Kyiv cũng đề nghị Washington giải đáp về các thông tin mật được lan truyền trên mạng, ai sẽ phải chịu trách nhiệm về vụ rò rỉ và Mỹ đang làm gì để đảm bảo thông tin được gỡ khỏi mạng xã hội.
Các đồng minh của Mỹ lo lắng rằng liệu chính quyền của Tổng thống Joe Biden có đang thực hiện việc ngăn sự cố rò rỉ xảy ra lần nữa hay không. Về phần mình, quan chức Mỹ hôm 10.4 đã nói với các đồng minh rằng Washington đang điều tra và cố gắng tìm hiểu toàn bộ phạm vi vụ rò rỉ.
“Ukraine từ lâu đã lo lắng về thông tin mà nước này chia sẻ với Mỹ bị rò rỉ ra bên ngoài. Trường hợp này cho thấy người Ukraine đã hoàn toàn đúng về điều đó. Người Mỹ hiện mắc nợ người Ukraine. Họ phải xin lỗi và bồi thường”, một quan chức châu Âu cho Politico biết.
Sự cố này đã khiến mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh rơi vào tình trạng khủng hoảng, đặt ra câu hỏi về cách Washington đối phó với một trong những vụ rò rỉ thông tin tình báo lớn nhất của Mỹ kể từ vụ WikiLeaks tung hàng triệu tài liệu nhạy cảm lên mạng từ năm 2006 đến năm 2021.
Phần lớn các tài liệu từ vụ rò rỉ đề cập cuộc chiến ở Ukraine - những thông tin mà Mỹ từng nhiều lần nói rằng có được nhờ nỗ lực hợp tác giữa các đồng minh ở NATO, châu Âu và các nơi khác.
“Cách thức rò rỉ và nội dung rất bất thường. Số lượng tài liệu quy mô lớn với mức độ thông tin xác thực như thế này lại chỉ được đưa lên mạng xã hội chứ không phải như vụ Edward Snowden vốn được cung cấp đến một nhóm nhà báo trước tiên”, một cựu nhà phân tích tình báo Mỹ cho biết.
Hơn 100 tài liệu tình báo của Mỹ chứa thông tin mật, nhạy cảm về cuộc chiến ở Ukraine, hoạt động quân sự của Nga, Trung Quốc và Trung Đông đã được đăng trên Discord, một ứng dụng giao tiếp bằng các cuộc gọi thoại, cuộc gọi video, tin nhắn văn bản từ ngày 2.3. Các tài liệu được đưa lên dưới dạng ảnh chụp chứa thông tin mật, bao gồm cả thông tin từ CIA.
Politico cho biết đã xem xét các tài liệu và nhận thấy một số tài liệu dường như đã được bộ phận tình báo của Bộ tham mưu liên quân Mỹ tập hợp thành các bản tóm tắt về các vấn đề toàn cầu được tổng hợp từ các hệ thống tình báo khác nhau của Mỹ.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh hôm 9.4 tiết lộ chính quyền Biden đã tập hợp một nhóm liên ngành “tập trung vào việc đánh giá tác động mà các tài liệu rò rỉ này có thể gây ra đối với an ninh quốc gia của Mỹ cũng như đối với các đồng minh và đối tác”.
Bà Singh xác nhận rằng các quan chức Mỹ đã tham gia thảo luận với “các đồng minh và đối tác” trên toàn cầu về vấn đề này, đồng thời nói thêm rằng Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn đang đánh giá “tính hợp lệ” của các tài liệu được đăng lên mạng xã hội.
Trong khi đó, tại Kyiv, nơi các nhà lãnh đạo quân sự đang bận rộn chuẩn bị cho một cuộc phản công mùa xuân, các quan chức cấp cao Ukraine đã đổ lỗi cho Nga về vụ rò rỉ và mô tả đây là một chiến dịch thông tin sai lệch.
“Điều rất quan trọng cần nhớ là trong những thập niên gần đây, những hoạt động thành công nhất của các dịch vụ đặc biệt của Nga đã được thực hiện bằng photoshop,” Andriy Yusov, đại diện của Tổng cục Tình báo quốc phòng Ukraine cho biết vào tuần trước.
Một nhà lập pháp cấp cao của Ukraine nói với Politico rằng vụ rò rỉ "không được coi là một vấn đề lớn ở Ukraine”.
Mặc dù các tài liệu bị rò rỉ có khả năng không có tác động ngay lập tức đến các hoạt động chiến trường của Ukraine, song việc rò rỉ thông tin nội bộ sẽ là vấn đề an ninh tiềm ẩn đối với các chỉ huy quân sự của Ukraine.
Mỹ đã chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine và các đồng minh châu Âu kể từ năm 2022. Tuy nhiên, sau sự cố này, chưa rõ Washington sẽ thay đổi mức độ chia sẻ thông tin tình báo trong thời gian tới như thế nào.
Trong những tháng trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, cộng đồng tình báo Mỹ đã chia sẻ thông tin với các đồng minh để xây dựng một liên minh hỗ trợ cho Kyiv và chuẩn bị các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp Nga. Đây được cho là một thành công lớn giúp Mỹ, các đồng minh châu Âu và Ukraine chuẩn bị tốt hơn cho việc chống lại các cuộc tấn công của Nga.