Người làm phục hồi chức năng nhiều lúc phải 'điên điên'

Thông tin Y học - Ngày đăng : 17:15, 07/04/2023

PGS-TS Trần Trọng Hải - Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam đã nhấn mạnh như thế tại Hội thảo chuyên đề “Phục hồi chức năng tổn thương tủy sống và ký kết ghi nhớ phát triển chuyên ngành phục hồi chức năng" do Bệnh viện Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM tổ chức sáng nay 7.4.

Theo ông Hải, hiện nay thế giới phát triển, y học có 4 trụ cột gồm: nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng. Phòng bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng không có nghĩa phục hồi chức năng đứng sau phòng bệnh, chữa bệnh mà là song hành cùng lúc. Triết lý của phục hồi chức năng là bắt đầu ngay từ lúc hồi sức của cấp cứu.

nguoi-lam-phuc-hoi-chuc-nang-phai-dam-me-nhieu-luc-phai-dien-dien-hinh-anh(1).png
PGS-TS Trần Trọng Hải- Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam phát biểu tại hội thảo - Ảnh: PV

Ông Hải đánh giá cao cơ sở vật chất, hạ tầng của Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM. Đây là nơi có cơ sở vật chất hiện đại nhất trong số các bệnh viện phục hồi chức năng ở các tỉnh thành và trung ương. Lãnh đạo bệnh viện đã có ý tưởng và biết vận dụng một cách hiệu quả, giúp cho bệnh viện ngày càng phát triển.

“Người làm phục hồi chức năng là phải đam mê, nhiều lúc phải “điên điên”, chứ nếu bình thường như những nghề khác thì rất khó. Những người làm phục hồi chức năng cần sự say mê, điên cuồng thật, phải điên trong hoạt động”, ông Hải nhấn mạnh.

Theo Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM, sau 20 năm thành lập Khoa Phục hồi chức năng - tổn thương tủy sống, đến nay bệnh viện là đơn vị duy nhất có khoa điều trị chuyên sâu về phục hồi chức năng sau tổn thương tủy sống.

TS-BS Phan Minh Hoàng - Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM cho biết phần lớn các trường hợp bị tổn thương tủy sống và các bệnh lý về tổn thương tủy sống là do tai nạn giao thông, tai nạn trong sinh hoạt, nên điều quan trọng nhất là xử trí khi tai nạn xảy ra như thế nào.

Những bệnh nhân khi bị tai nạn nên được giữ ở tình trạng bất động và cố định để chờ nhân viên y tế tới thì sẽ hạn chế tối đa tổn thương tủy sống. Tuy nhiên, nhiều trường hợp sau khi bị tai nạn do người thân nhiệt tình thái quá, vì nghĩ nạn nhân bị chấn thương sọ não, lại vô tình làm chấn thương, tổn thương tủy sống ngày càng nặng nề hơn. Lúc này đã ở giai đoạn muộn, bắt buộc phải phẫu thuật để thân sống thông suốt, không bị chèn ép. Khi thân sống bị chèn ép dù trong một thời gian ngắn cũng sẽ làm tổn thương hàng loạt các nơ ron thần kinh.

“Quan trọng nhất của điều trị những trường hợp này là điều trị tâm lý. Đây là một rào cản vô cùng lớn của bệnh nhân. Chúng tôi với vai trò là bác sĩ, người đồng hành, người thân nắm được những cung bậc cảm xúc của bệnh nhân để hướng vào điều trị. Do đó phác đồ điều trị của chúng tôi hiện nay có sự thay đổi so với bệnh viện khác, đó là việc đánh giá tâm lý lâm sàng của bệnh nhân quan trọng nhất. Bệnh nhân phải chấp nhận sự thật, một tai nạn rủi ro không mong muốn để đồng hành với chúng tôi và được tiếp cận, điều trị một cách nhanh nhất, chứ không thể trì hoãn khiến việc điều trị kém hiệu quả. Ngoài ra, trong quá trình điều trị chúng tôi phải theo sát những bệnh lý nền, cho những bài tập phù hợp với mức độ hồi phục của bệnh nhân”, bác sĩ Hoàng chia sẻ.

Hồ Quang