Thừa Thiên-Huế dùng nhiều đòn bẩy để nâng tầm du lịch

Du lịch - Ngày đăng : 15:30, 07/04/2023

Ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế tập trung triển khai những giải pháp quản lý, phát triển các loại hình sản phẩm du lịch mới, đồng thời tăng cường chấn chỉnh hoạt động phiền hà du khách.
hue.jpg
Huế đang phấn đầu trở thành điểm du lịch thân thiện, hấp dẫn - Ảnh: TTXVN

Như đã đưa tin, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, trong tháng 3.2023, lượng khách du lịch đến tỉnh ước đạt 216,3 nghìn lượt khách, tăng 88,4% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 89,9 nghìn lượt, gấp 54 lần so với cùng kỳ. Doanh thu từ du lịch ước đạt 486,4 tỉ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Trong quý 1/2023, lượng khách đến Huế ước đạt 633,3 nghìn lượt, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách quốc tế ước đạt 255,9 nghìn lượt, gấp 55 lần so với cùng kỳ. Tổng thu từ du lịch ước đạt 1.414,9 tỉ đồng, gấp 2,9 lần so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, trong đó khách lưu trú chỉ đạt hơn 379.000 lượt, chiếm gần 60%. Do vậy, doanh thu dù có cao nhưng chưa xứng tầm với tiềm năng du lịch của Huế.

Chú trọng điểm vui chơi đêm níu chân du khách

Để nâng cao số lượng du khách lưu trú và đẩy mạnh doanh thu, chính quyền địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh dịch vụ du lịch ban đêm nhằm “níu chân” du khách và tạo nguồn thu, phát triển kinh tế xã hội.

Theo ông Phạm Bá Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, các đơn vị của hiệp hội kiến nghị UBND tỉnh cần quan tâm hơn định hướng quy hoạch phát triển các sản phẩm du lịch dịch vụ, nhất là các sản phẩm du lịch dịch vụ về đêm, xem đây như là một ngành kinh tế đêm của TP.Huế. Trong đó, hình thành phố đi bộ, phố mua sắm, khu vui chơi giải trí, khu ẩm thực đêm... vừa tăng nguồn thu và vừa có nơi cho khách trải nghiệm, tiêu tiền, vừa kéo dài ngày lưu trú của du khách.

Cuối tháng 3, TP.Huế đã khai trương và đưa vào hoạt động phố đi bộ Hai Bà Trưng (đường Hai Bà Trưng, phường Vĩnh Ninh). Đây là phố đi bộ thứ 3 tại khu vực trung tâm thành phố, sau phố đi bộ Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu (du khách hay gọi là phố Tây) và phố đi bộ Hoàng thành Huế. TP.Huế đã đầu tư cơ sở hạ tầng chỉnh trang, xây dụng các tuyến phố đạt chuẩn để phát triển phố đi bộ nhằm phục vụ du khách và cộng đồng nhân dân địa phương, tạo động lực cho phát triển kinh tế ban đêm. Trong những ngày cuối tuần, các phố đi bộ nườm nượp đón khách đến trải nghiệm các dịch vụ văn hóa, ẩm thực, vui chơi giải trí.

Phố đi bộ Hai Bà Trưng được đầu tư 97 tỉ đồng để chỉnh trang, lát đá từ lòng đường đến vỉa hè, trồng cây xanh cảnh quan, ngầm hóa hệ thống điện, khu vực hồ phun nước… tạo một diện mạo mới, văn minh và hiện đại cho cả tuyến phố dài hơn 850m. Chỉ sau gần 2 tuần đưa vào hoạt động, khu phố này trở thành điểm đến của nhiều người dân và du khách.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết trung tâm đang xây dựng kế hoạch để mở cửa lại Đại Nội về đêm, đặc biệt chú trọng các chương trình, hoạt động trên nền tảng văn hóa, phù hợp với không gian di sản. Phương án này cần được tính toán kỹ lưỡng từ việc xây dựng chương trình đến kết nối với các đơn vị lữ hành. Khai thác Đại Nội về đêm không chỉ phải đảm bảo công tác bảo vệ di sản mà còn phải tạo được nguồn thu cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ ban đêm. Nhiều năm trước đó đơn vị cũng từng khai thác, mở cửa Đại Nội ban đêm nhưng không được như kỳ vọng. 

Những điểm nhấn sự kiện

Theo Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế, tiếp nối các lễ hội khinh khí cầu các năm trước, lễ hội khinh khí cầu quốc tế Huế 2023 có chủ đề “Nét đẹp Cố đô” sẽ được tổ chức từ ngày 12 đến 20.4. Lễ hội là một trong những hoạt động chính của lễ hội bốn mùa năm 2023, nhằm quảng bá hình ảnh du lịch Huế sôi động, hấp dẫn, đa dạng đến với du khách trong và ngoài nước.

Lễ hội được tổ chức tại sân Hàm Nghi, đường 23 Tháng 8, TP.Huế. Du khách đến với lễ hội được trải nghiệm với 2 hình thức bay: Bay tự do ngắm bình minh lúc 6 giờ sáng hằng ngày, thời lượng 60 phút, độ cao 300 - 500m; bay neo tại chỗ, từ 17 đến 19 giờ hằng ngày, thời lượng 5 phút, độ cao 30 - 50m.

Ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2023 vừa thông tin về kế hoạch tổ chức chương trình “Tri ân dòng Hương” tại Festival nghề truyền thống Huế 2023.  Chương trình diễn ra từ 5 giờ đến 21 giờ 30 ngày 1.5.2023 tại khu vực sông Hương, đoạn qua trung tâm TP.Huế. Đây là lần đầu tiên chương trình được tổ chức nhằm tri ân, bày tỏ sự cảm kích với dòng sông Hương với bề dày lịch sử đã ban mùa màng hoa trái và trầm tích văn hóa xứ sở.

Sự kiện gồm nhiều hoạt động như chạy bộ và đạp xe, liên hoan vẽ tranh và trưng bày tranh, triển lãm ảnh về dòng Hương, chèo SUP và đạp thuyền vịt trên sông Hương, mặc áo dài truyền thống, chương trình nghệ thuật “Tri ân dòng Hương”, hoạt động thuyền hoa.

Ngoài ra, có các sự kiện Ngày hội ẩm thực sen Huế từ 18 - 20.5; Tuần lễ ẩm thực đường phố 2023 từ ngày 22 - 28.4... Việc liên tục có những sự kiện văn hóa du lịch như vậy được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy thu hút du khách đổ về cố đô trong mùa du lịch sắp tới.

Tạo hình ảnh thân thiện mến khách

Chính quyền TP.Huế đã gần đây đã có nỗ lực lớn trong việc phối hợp với Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh triển khai chương trình Chung tay xây dựng môi trường du lịch Huế “Văn minh - Thân thiện - An toàn - Giàu bản sắc”. Chương trình này vận động người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương triển khai 150 điểm vệ sinh miễn phí.

Ngoài việc cải thiện hình ảnh Huế qua việc kêu gọi doanh nghiệp và người dân xã hội hóa chương trình nhà vệ sinh miễn phí thì chính quyền địa phương đang tích cực tuyên chiến với tệ nạn chèo kéo du khách.  Thành phố đã thành lập tổ phản ứng nhanh xử lý môi trường du lịch; xây dựng các mô hình tuyến phố, điểm du lịch, dịch vụ, chợ… thân thiện, an toàn.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: “Thành phố cùng với Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch đang thí điểm triển khai thành lập tổ phản ứng nhanh tại các khu vực công cộng du khách thường lui tới. Khi có vụ việc, hình ảnh hoạt động không hay làm ảnh hưởng đến du lịch sẽ xử lý, để đưa hình ảnh TP.Huế luôn mới lạ, thể hiện được sự văn minh, an toàn và thể hiện được bản sắc của địa phương”.

Ông Trương Đình Hạnh, Phó chủ tịch UBND TP.Huế khẳng định TP sẽ mạnh tay hơn trong xử lý tình trạng cò mồi, chèo kéo du khách ở các địa điểm tham quan du lịch: “Thành phố chỉ đạo các lực lượng, trong đó chính quyền địa phương, lực lượng công an, tăng cường công tác tuần tra, xử lý; lắp đặt camera giám sát tại các điểm du lịch, nhất là các điểm buôn bán, giới thiệu các sản phẩm truyền thống của Huế cho các đoàn du lịch đến Huế”.

Quế Sơn