Nhật Bản: Ra luật bắt buộc người đi xe đạp phải đội mũ bảo hiểm

Quốc tế - Ngày đăng : 17:40, 03/04/2023

Cảnh sát Nhật cho biết năm 2022 có 339 người chết do tai nạn xe đạp, hầu hết không đội mũ bảo hiểm.
japan-cyclist-helmet-yomiuri.jpg
Bảng nhắc nhở quy định đội mũ bảo hiểm tại một điểm “đi xe đạp chung” - Ảnh: Yomiuri Shimbun

Nhật Bản đã ra luật buộc tất cả người đi xe đạp phải đội mũ bảo hiểm, có hiệu lực từ ngày 1.4, nhằm kéo giảm tai nạn giao thông liên quan xe đạp. Tuy nhiên luật không quy định mức phạt người từ chối đội mũ bảo hiểm.

Cảnh sát cùng các chính quyền địa phương chỉ vận động sự ý thức của người dân và khuyến khích họ đội mũ bảo hiểm, do đa số vụ tai nạn xe đạp đều liên quan những ca chấn thương ở đầu.

Cảnh sát Nhật cho biết năm 2022 có 339 người chết lúc đang đạp xe và trong số này chỉ có 14 người đội mũ bảo hiểm, tỷ lệ đội là 4,1%.

Ngoài ra còn có 67.801 vụ thương tích liên quan người đi xe đạp, nhưng chỉ 9,9% trong số đó đội mũ bảo hiểm.

Trong giai đoạn 2018-2022, trong 1.902 ca tử vong bởi các tai nạn xe đạp thì tỷ lệ bị chấn thương ở đầu chiếm 56,7%.

Vẫn chưa phổ biến

Chính quyền thành phố Kumamoto - nơi đã tổ chức thí điểm mô hình “đi xe đạp chung” với sự hợp tác của một công ty tư nhân, đã có văn bản quy định đội mũ bảo hiểm từ tháng 10 năm ngoái, tức từ 6 tháng trước khi có sự sửa đổi Luật Giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, việc đội mũ bảo hiểm chưa phổ biến ở Kumamoto. Khi luật có hiệu lực, vẫn rất ít người đem theo mũ bảo hiểm đến 143 bãi chứa xe “đi xe đạp chung”.

Khi dịch COVID-19 xảy ra, xe đạp đã trở thành phương tiện lưu thông cho phép tránh tiếp xúc gần với người khác. Mô hình “đi xe đạp chung” trở nên phổ biến ở Kumamoto, nhằm giúp người dân đi lại dễ dàng hơn.

Dù mô hình này đang phổ biến, nhưng việc đội mũ bảo hiểm lại rất ít, do người dân ngại đem mũ theo và cũng không muốn đội mũ người khác đã đội.

Công ty Sinanen Mobility Plus Co là nhà vận hành mô hình “đi xe đạp chung” ở Tokyo và các tỉnh Kanagawa, Saitama, hồi tháng 2 đã mở một cuộc thăm dò trực tuyến với 1.299 người về việc đội mũ bảo hiểm.

Kết quả là trong số những người sử dụng xe đạp ít nhất một lần/tuần, có 67,9% biết việc người đạp xe sẽ bị buộc phải đội mũ bảo hiểm, chỉ khoảng 20% người đạp xe hằng ngày luôn đội mũ bảo hiểm.

Khi được hỏi cần có biện pháp nào để tăng sử dụng mũ bảo hiểm, 47,3% người được hỏi đáp nên “thiết kế một kiểu mũ dễ mang theo mình”; 32,8% đáp “tăng quảng bá tầm quan trọng của việc sử dụng mũ bảo hiểm”, 29,4% đáp “nên trợ giá cho việc mua mũ bảo hiểm”.

Trước đây, Luật Giao thông đường bộ có quy định phụ huynh phải đội mũ bảo hiểm cho trẻ con dưới 13 tuổi. Nay thì cảnh sát đang làm việc để nâng cao ý thức đội mũ bảo hiểm đối với toàn dân.

Cảnh sát tỉnh Fukuoka đã chỉ định hai trường làm “mô hình quảng báo việc đội mũ bảo hiểm”, học sinh các trường này hôm 15.3 đã tuyên bố bắt đầu đội mũ bảo hiểm.

xe-dap-1.jpg
Một khách hàng chọn kiểu mũ bảo hiểm tại cửa hàng bán lẻ - Ảnh: Asahi Shimbun

Người đội mũ bảo hiểm sẽ dần tăng

Từ lúc có luật buộc người đi xe đạp phải đội mũ bảo hiểm, doanh số bán mũ bảo hiểm đã tăng ở các tiệm bán xe đạp và đồ phụ tùng.

Cycle Base Asahi là chuỗi bán lẻ xe đạp và đồ phụ tùng lớn nhất ở Nhật, cho biết từ tháng 9.2022 họ đã tăng gấp đôi không gian bán mũ bảo hiểm tại chi nhánh Gotanda (ở Shinagawa, Tokyoma), và hiện kinh doanh 10 loại mũ bảo hiểm.

Lãnh đạo chi nhánh cho biết doanh số bán trong tháng 1.2023 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, nói nhiều khách hàng đã biết trước việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ.

Các công ty giao thức ăn cùng những sản phẩm khác bằng xe đạp cũng khuyến khích lái xe của họ đội mũ bảo hiểm.

Ví dụ Uber Eats Japan Inc đang hứa thưởng tiền. Công ty giao thức ăn này có 100.000 lái xe dùng xe đạp hoặc xe máy đi giao hàng. Lái xe có ảnh tự chụp đang đội mũ bảo hiểm khi giao hàng ít nhất 1 lần/tuần thì sẽ nhận được 3.500 yen sau khi họ tải ảnh chụp trong 5 tuần liên tiếp.

Đại diện công ty nói “bằng cách khuyến khích này, chúng tôi hy vọng góp phần nâng cao ý thức trong cộng đồng về việc đội mũ bảo hiểm”.

Có tới 5.000 nữ lái xe giao sữa lên men và các sản phẩm khác của Công ty Yakult Honsha Co sử dụng xe đạp. Công ty phát tờ bướm khuyến khích việc đội mũ bảo hiểm khi tài xế đến các chi nhánh của công ty.

Bảo Vĩnh