TP.HCM: Tạm hoãn xuất cảnh 60 giám đốc doanh nghiệp do nợ thuế
Sự kiện - Ngày đăng : 13:21, 02/04/2023
Tính cả tháng 3 vừa qua, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1 và các chi cục hải quan khác trực thuộc Cục Hải quan TP.HCM đã gửi thông báo đề nghị hoãn xuất cảnh với trên 60 người đại diện pháp luật của các doanh nghiệp vì các lý do liên quan nợ thuế.
Cụ thể, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1 tạm hoãn xuất cảnh với bà Võ Thị Kim Cương, đại diện pháp luật Công ty TNHH Công nghệ gỗ châu Âu và bà Đồng Thị Kim Nam, đại diện pháp luật Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu đất Quảng Nam.
Việc tạm hoãn xuất cảnh do các công ty này nợ thuế từ năm 2020 đến nay. Thời gian tạm hoãn tính từ thời điểm công bố đến lúc doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ thuế đầy đủ.
Chi cục này cũng thông báo tạm hoãn xuất cảnh với giám đốc của hàng loạt doanh nghiệp như Công ty TNHH Thủy sản H.M.P, Công ty TNHH Xây dựng Phúc Giang, Công ty TNHH Vật liệu Xây dựng Gia Hưng Thịnh, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Xuất nhập khẩu Đức Bình, Công ty TNHH Thực phẩm Thái Bình Dương, Công ty TNHH Villa Home, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thái Bình Dương…
Theo Cục Hải quan TP.HCM, việc tạm hoãn xuất cảnh là một trong những biện pháp hiệu quả nhằm đẩy mạnh tăng cường thu hồi nợ đọng kéo dài đối với các doanh nghiệp cố tình chây ì, không thanh toán nợ thuế kéo dài. Số tiền nợ mỗi doanh nghiệp từ vài chục đến vài trăm tỉ đồng. Thời gian tạm hoãn tính từ lúc công bố đến lúc doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ thuế đầy đủ.
Theo lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM, trước đây công tác thu hồi nợ đọng thường xuyên triển khai nhưng các doanh nghiệp vẫn chây ì. Những năm gần đây, tỉ lệ nợ đọng thuế tăng lên nhiều hơn vì vậy cơ quan hải quan phải triển khai quyết liệt các biện pháp để thu hồi nợ thuế.
Tại Cục Hải quan TP.HCM, tổng số nợ thuế chuyên thu quá hạn tính đến cuối tháng 2-2023 là trên 2.207 tỉ đồng.
Theo Tổng cục Hải quan, những doanh nghiệp nợ thuế bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế chủ yếu do cố tình chây ỳ, kinh doanh thua lỗ, gian lận trong kinh doanh...
Nhiều doanh nghiệp nợ thuế trên 30 ngày, cơ quan chức năng gọi điện, nhắn tin ban hành văn bản đôn đốc. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình nợ từ 91 ngày trở lên khiến cơ quan chức năng cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản.
Thậm chí, khi nợ thuế trên 121 ngày, cơ quan chức năng áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế như “bêu” tên, dừng làm thủ tục hải quan, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, thu hồi giấy phép kinh doanh, cấm xuất cảnh, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không thực hiện.
Với hình thức tạm hoãn xuất cảnh, Tổng cục Hải quan cho biết, đa phần là các doanh nghiệp đều nợ thuế kéo dài, thuộc khoản khó đòi và có nguy cơ tẩu tán tài sản, biến mất khỏi địa điểm kinh doanh.