Phát hiện ra một đại dương mênh mông trên Mặt trăng của sao Thổ?

Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 09:49, 04/10/2016

Từ 3 năm trước, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều bằng chứng cho thấy vệ tinh Dione của sao Thổ có một đại dương khổng lồ nằm sâu bên trong bề mặt của nó khi mới hình thành, hỗ trợ cho giả thuyết có sự sống tồn tại trên vệ tinh này.
Dione có thể là mặt trăng thứ 3 của sao Thổ có nước

Giờ đây, theo một nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Geophysical Research Letters cho biết có thể vẫn có nước bên trong vệ tinh này của sao Thổ.

Trước đó, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Icarus số tháng 3.2013, sử dụng hình ảnh thu được từ tàu vũ trụ Cassini của Nasa đã đưa ra giả thuyết địa hình tạo ra trên vệ tinh Dione có thể là do tác động từ một đại dương khổng lồ bên dưới bề mặt của vệ tinh này khi nó mới hình thành.

Theo nghiên cứu mới nhất của Đài thiên văn Hoàng gia Bỉ và các cộng sự của họ, sử dụng mô hình số hóa từ máy tính bằng những dữ liệu về lực hấp dẫn của vệ tinh này thu được từ tàu vũ trụ Cassini để chứng minh rằng lớp vỏ của Dione nổi trên bề mặt của một đại dương khổng lồ nằm cách bề mặt hành tinh 100km.

Nếu thông tin này được xác nhận, Dione sẽ là vệ tinh thứ 3 của sao Thổ có đại dương bên dưới bề mặt của mình. Thậm chí, có thể có sự sống trên Dione vì nước tồn tại ở đây liên tục và lâu dài.

Ngoài nước ra, trước đó từ các dữ liệu thu được từ tàu vũ trụ Cassini cho thấy vệ tinh Dione của sao Thổ có một bầu khí quyển mỏng và chứa khí oxy, hỗ trợ thêm cho giả thuyết có sự sống trên vệ tinh này.

Nếu một vệ tinh không có bầu khí quyển, chúng ta có thể coi nó giống như một quả cầu khổng lồ. Các đường từ của sao Thổ sẽ không nhiễu loạn khi vệ tinh di chuyển bên trong từ trường, bởi sự nhiễu loạn từ chỉ xảy ra khi vệ tinh có khả năng dẫn điện.

“Từ trường chỉ nhiễu loạn khi bạn có các hạt mang điện tích từ một nguồn nào đó, chẳng hạn như khí quyển. Bầu khí quyển của vệ tinh Dione đủ mạnh để gây nhiễu loạn từ trường của sao Thổ”, Sven Simon, một nhà nghiên cứu của Viện Địa vật lý và Khí tượng thuộc Đại học Cologne tại Đức, giải thích.

Với đường kính 1.123km, Dione là vệ tinh lớn thứ 15 trong hệ Mặt Trời. Giới khoa học phỏng đoán nó được tạo nên chủ yếu bởi nước ở dạng băng và có lõi đá.

Dione không đủ lớn để có thể giữ một bầu khí quyển dày giống như địa cầu. Trái Đất chúng ta và các hành tinh lớn khác sở hữu lực hấp dẫn đủ mạnh để ngăn cản các hạt trong khí quyển bay vào vũ trụ.

Tuy nhiên, việc chứng minh có nước và không khí trên Dione khiến khả năng vệ tinh khác của sao Thổ Enceladus có thể cũng có sự sống vì vệ tinh này lớn hơn và có một đại dương gần bề mặt hành tinh hơn so với Dione.

Thiên Hà