Apple âm thầm thâu tóm startup nén video bằng AI dù vẫn im ắng trong cơn sốt ChatGPT
Thế giới số - Ngày đăng : 15:26, 28/03/2023
Apple sẽ không xác nhận thương vụ này khi được đề nghị bình luận. Thế nhưng, trang web WaveOne đã ngừng hoạt động vào khoảng tháng 1 và một số nhân viên cũ, gồm cả một trong những nhà đồng sáng lập WaveOne, đang làm việc trong các đội máy học khác nhau của Apple.
Bob Stankosh, cựu Giám đốc bán hàng và Phát triển kinh doanh của WaveOne, thông báo về việc bán công ty cho Apple trong một bài đăng trên LinkedIn hồi tháng 2.
"Sau gần hai năm làm việc tại WaveOne, chúng tôi đã hoàn tất việc bán công ty cho Apple. Chúng tôi bắt đầu hành trình của mình tại WaveOne, nhận ra rằng công nghệ video học máy và học sâu có khả năng thay đổi thế giới. Apple đã nhìn thấy tiềm năng này và tận dụng cơ hội để thêm nó vào danh mục công nghệ của họ", Bob Stankosh viết.
WaveOne được thành lập vào năm 2016 bởi Lubomir Bourdev và Oren Rippel, những người đã bắt đầu sử dụng mô hình codec video có tuổi đời hàng thập kỷ và biến chúng thành hỗ trợ AI. Trước khi gia nhập dự án này, Lubomir Bourdev là một thành viên sáng mảng nghiên cứu AI của Meta Platforms. Cả Lubomir Bourdev và Oren Rippel đều đã làm việc trong nhóm thị giác máy tính của Meta Platforms chịu trách nhiệm cho việc kiểm duyệt nội dung, tìm kiếm trực quan và xếp hạng nguồn cấp dữ liệu trên Facebook.
Trong việc nén và giải nén video bằng thuật toán tiêu chuẩn, việc nén được thực hiện từ phía nhà cung cấp nội dung (ví dụ như máy chủ YouTube), còn các thiết bị của người dùng cuối sẽ xử lý việc giải nén. Đây là một phương pháp hiệu quả, nhưng các codec mới yêu cầu phải có phần cứng mới được xây dựng đặc biệt để tăng tốc quá trình nén hoặc giải nén, điều này làm cho việc cải tiến diễn ra chậm hơn.
Đột phá chính của WaveOne là thuật toán nén và giải nén video "nhận biết được nội dung" có thể chạy trên các trình tăng tốc AI được tích hợp trong nhiều smartphone và ngày càng nhiều máy tính cá nhân. Tận dụng khả năng phát hiện đối tượng và cảnh nhờ AI, công nghệ của WaveOne về cơ bản có thể "hiểu" một khung hình video, chẳng hạn như cho phép ưu tiên các khuôn mặt thay vì các yếu tố khác trong một cảnh để tiết kiệm băng thông.
WaveOne cũng tuyên bố công nghệ nén video của họ có tính ổn định với các gián đoạn đột ngột trong kết nối mạng. Nói cách khác, công nghệ có thể đưa ra "phán đoán tốt nhất" dựa trên bất kỳ bit dữ liệu có sẵn, nên khi băng thông bị hạn chế đột ngột, video sẽ không bị đóng băng mà chỉ hiển thị ít chi tiết hơn trong khoảng thời gian đó.
WaveOne cho rằng phương pháp của họ, không phụ thuộc vào phần cứng, có thể giảm kích thước file video lên đến một nửa, với hiệu quả tốt hơn trong các cảnh phức tạp hơn.
Các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng của WaveOne. Trước khi bị Apple mua lại, WaveOne đã thu hút được 9 triệu USD từ các nhà đầu tư bao gồm Khosla Ventures, Vela Partners, Incubate Fund, Omega Venture Partners và Blue Ivy. Vậy Apple muốn gì với codec video được trang bị AI? Câu trả lời rõ ràng là phát trực tuyến hiệu quả hơn.
Ngay cả khi chỉ cải tiến nhỏ về nén video cũng có thể tiết kiệm chi phí băng thông hoặc cho phép các dịch vụ như Apple TV+ phát video với độ phân giải và tốc độ khung hình cao hơn tùy thuộc vào loại nội dung được phát.
YouTube đã làm điều này. Năm ngoái, DeepMind của Alphabet (chủ sở hữu Google) đã điều chỉnh một thuật toán máy học ban đầu được phát triển để chơi các game trên bàn cờ với vấn đề nén video YouTube, giúp giảm 4% lượng dữ liệu mà dịch vụ chia sẻ video này phải truyền tới người dùng.
Có lẽ chúng ta sẽ sớm thấy những đổi mới tương tự từ đội WaveOne mà Apple sở hữu.
DeepMind là một công ty AI của Anh được thành lập vào tháng 9.2010. DeepMind trở nên nổi tiếng trong năm 2016 sau khi chương trình AlphaGo của họ đã đánh bại một kiện tướng cờ vây chuyên nghiệp lần đầu tiên trong lịch sử máy học.
DeepMind đã tạo ra mạng lưới thần kinh biết cách học chơi game, làm việc, tư duy… tương tự như con người. Mạng lưới thần kinh này sẽ bắt chước những hành vi của não bộ, từ đó đưa ra những hành động độc lập hoặc được lập trình sẵn nhằm thực hiện những việc có tư duy cao. Thương vụ mua lại DeepMind vào năm 2014 đã tiêu tốn mất hơn 500 triệu USD của Google.
Vì sao Apple vẫn bĩnh tĩnh trong cơn sốt AI và ChatGPT?
Với sự bùng nổ của ChatGPT, Google, Microsoft, Baidu hay Alibaba đều đang ráo riết gia nhập cuộc đua AI. Trong khi đó, Apple vẫn giữ im lặng về chiến lược phát triển AI của mình.
Trong tuần đầu tiên tháng 2, Microsoft và Google đã lần lượt giới thiệu và phát hành các sản phẩm, dịch vụ tích hợp AI. Baidu, một trong những hãng công nghệ lớn nhất của Trung Quốc, đã trình làng Ernie Bot hôm 16.3. Đây là chatbot AI mà Baidu đã nghiên cứu và phát triển từ năm 2019.
Hôm 8.2, Alibaba cho biết Viện nghiên cứu Damo Academy của họ cũng đang thử nghiệm công cụ tương tự ChatGPT.
Trong khi đó, Apple gần như im hơi lặng tiếng và chưa có dấu hiệu tham gia cuộc đua chatbot AI.
Theo trang Insider, Apple từ lâu đã đưa AI vào các sản phẩm như camera của iPhone, tính năng SOS và trợ lý ảo Siri. Bản thân Giám đốc điều hành Apple - Tim Cook từng nói rằng AI “sẽ ảnh hưởng đến mọi sản phẩm và dịch vụ mà chúng tôi có”.
Hiện tại, ChatGPT được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của AI. Các nhà phân tích cho rằng Apple sắp hết thời gian để theo kịp các đối thủ. Nhà phân tích Dan Ives của công ty Wedbush Securities nói: “AI là cuộc chạy đua của Big Tech với khoản chi phí dự kiến lên tới 1.000 tỉ USD trong 10 năm tới. Những thông báo của Microsoft và Google sẽ đẩy nhanh việc Apple phát triển các chiến lược AI”.
Dan Ives cũng chỉ ra rằng Apple đã chi khoảng 10 tỉ USD cho nghiên cứu và phát triển AI. Ông hy vọng công ty sẽ đưa ra những thông báo quan trọng liên quan đến công nghệ này khi công bố sản phẩm mới vào mùa hè này.
Dù vậy, Apple hiếm khi được biết đến là hãng dẫn đầu về AI và có xu hướng đợi cho đến khi người tiêu dùng bắt đầu yêu cầu một số công nghệ nhất định.
Nhà phân tích Tom Forte của hãng DA Davidson cho rằng việc công bố trực tiếp một sản phẩm AI hào nhoáng không phải là phong cách của Apple. Thay vào đó, công ty sẽ tích hợp các ứng dụng AI vào nền tảng của các sản phẩm hiện có.
“Là một trong những công ty lớn nhất thế giới, Apple chắn chắn đang làm gì đó với AI nhưng sẽ không ồn ào như ChatGPT. Khi sử dụng AI, Apple sẽ làm nhiều hơn thế để nâng cao công nghệ của mình”, Tom Forte nhận định.
Các chuyên gia cho rằng Apple cần phải cải thiện nhiều về AI. Ví dụ, trợ lý giọng nói Siri của Apple thường bị coi là kém Alexa của Amazon hay Google Assistant. Trong khi tính năng nhắn tin khẩn cấp của Apple Watch thường cảnh báo sai.
Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề duy nhất mà Apple cần giải quyết. Kể từ năm 2021, Apple đã phải đối mặt với những vấn đề khá nghiêm trọng về chuỗi cung ứng khi phải trì hoãn việc giao iPhone 14 Pro. Apple cho biết việc đa dạng hóa các quy trình chuỗi cung ứng sẽ mất nhiều thập kỷ.
Mục tiêu của Apple là thuyết phục người dùng sử dụng thiết kế và hệ sinh thái trong sản phẩm. Thế nhưng, điều đó có thể không đủ để thuyết phục các nhà đầu tư.
“Là một nhà đầu tư, tôi tin rằng Apple đang sử dụng AI trong nhiều mục đích sử dụng khác nhau để nâng cao công nghệ hiện có của mình. Thế nhưng, AI cũng không phải là lý do duy nhất khiến người tiêu dùng mua các sản phẩm của Apple”, Tom Forte nói.