Châu Phi cần điện nhưng chưa thể tận dụng năng lượng tái tạo

Quốc tế - Ngày đăng : 11:15, 26/03/2023

Tình trạng thiếu điện ở nhiều quốc gia châu Phi là một sự “bòn rút” đối với sự tăng trưởng kinh tế của lục địa này, theo các chuyên gia năng lượng cảnh báo.
coal-bloomberg.jpg
Nhà máy điện chạy bằng than ở Nam Phi gây ô nhiễm môi trường - Ảnh: Bloomberg

Các thành phố rộng lớn ở châu Phi thường có nguồn cung cấp điện thất thường, nhưng đa phần vùng nông thôn lại hoàn toàn không có điện. Năm 2021, khoảng 600 triệu dân châu Phi không được tiếp cận nguồn điện, gồm 590 triệu người ở vùng cận Sahara, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính mỗi năm cần đầu tư gần 20 tỉ USD để toàn vùng châu Phi cận Sahara có điện. Trong khoản kinh phí đó cần có 10 tỉ USD/năm để cung cấp, duy trì nguồn điện ở vùng Tây Phi và Trung Phi.

Có nhiều lý do về sự thiếu điện của châu Phi, gồm cơ sở hạ tầng cũ kỹ, thiếu sự giám sát của chính quyền và thiếu công nhân có tay nghề để duy trì lưới điện của các nước, theo Andrew Lawrence, một chuyên gia năng lượng của Trường Đại học Kinh doanh Witwatersrand ở Nam Phi.

Việc thiếu nguồn điện còn có yếu tố lịch sử: nhiều chế độ thuộc địa đã xây dựng hệ thống điện chỉ dành cho người da trắng thiểu số và bỏ mặc các vùng có đông người da đen.

Ngày nay, nhiều quốc gia trong số 54 nước châu Phi lệ thuộc vào các nhà máy điện của nhà nước.

Trong hai năm qua, liên minh Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) đã giúp các nước nghèo hơn chuyển đổi từ nhà máy điện chạy bằng than gây ô nhiễm cao sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và thân thiện môi trường, với nguồn kinh phí giúp đỡ của Pháp, Đức, Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Chuyên gia Lawrence nói lẽ ra châu Phi phải là một trong số các quốc gia thụ hưởng sự giúp đỡ trên, nhằm mở rộng quyền tiếp cận điện trên lục địa đen và cải thiện các lưới điện cũ kỹ. Ông nhấn mạnh: “Sự chuyển dịch phải nhắm đến việc đưa điện đến vùng nông thôn, và phải là mục tiêu đầu tiên của chương trình điện khí hóa châu Phi. Về mặt kỹ thuật, đây là điều có thể thực hiện”.

Các nước phương Tây đã cam kết chi 8,5 tỉ USD để giúp Nam Phi ngừng vận hành các nhà máy điện chạy bằng than vốn sản xuất 80% điện cho nước này. Trong vài năm gần đây, việc phát điện ở Nam Phi quá chập chờn, khiến nền kinh tế lớn nhất châu Phi phải đối phó tình trạng cúp điện luân phiên, với thời gian cúp điện có khi kéo dài từ 8 - 10 giờ/ngày.

Các chuyên gia cho biết, vì lệ thuộc vào điện chạy bằng than, Nam Phi là một trong số 20 quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới, chiếm 1/3 tổng lượng khí thải nhà kính vốn khiến Trái đất nóng lên. Dù vậy, nỗ lực từ bỏ dùng than của Nam Phi bị cản trở, do nước này chịu sức ép phải sản xuất thật nhiều điện trong từng ngày.

Ở vùng Đông Phi, từ nhiều năm qua Uganda cũng lâm cảnh cúp điện thường xuyên, dù nước này đã đầu tư nhiều vào mảng phát điện.

Tại Zimbabwe, nhiều người dân phải lao động về đêm vì đó là thời gian duy nhất có điện. Sự thiếu điện này đã có từ nhiều năm, do chính quyền quản lý đập thủy điện Karika (đập lớn nhất nước) đã phải hạn chế phát điện do mực nước thấp trong đập.

Những đợt hạn hán liên tiếp đã giảm mực nước của đập Kariba rất thấp, đến độ Nhà máy thủy điện Nam Kariba - nơi đáp ứng 70% nhu cầu dùng điện của Zimbabwe - hiện chỉ có thể sản xuất đúng 300 megawatt điện, quá ít so với năng lực sản xuất 1.050 megawatt.

Các nhà máy điện chạy bằng than của Zimbabwe cũng cung cấp nguồn điện thất thường do cơ sở hạ tầng cũ kỹ. Tiềm năng điện mặt trời của Zimbabwe chưa được tận dụng để làm tăng nguồn cung cấp điện.

Trong khi đó, tình trạng thiếu điện ở Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, lại rất nặng nề. Các chuyên gia nói nước này chỉ sản xuất được 4.000 megawatt điện, trong khi hơn 210 triệu dân cần đến 30.000 megawatt điện.

Nigeria ở vùng Tây Phi nhiều dầu mỏ nhưng “nghèo” năng lượng, đã đầu tư mạnh vào mảng điện, nhưng không đạt nhiều thành quả do vấn nạn tham nhũng tràn lan và vận hành kém. Tình trạng sập lưới điện diễn ra thường xuyên.

WB cho biết các doanh nghiệp ở Nigeria bị tổn thất 29 tỉ USD/năm và đó là hậu quả của nguồn điện không ổn định. Các nhà cung cấp các dịch vụ thiết yếu thường xuyên chật vật duy trì hoạt động bằng máy phát điện.

Khi các đại biểu tập trung tại Cape Town trong tháng này để thảo luận về những thách thức năng lượng của Châu Phi, đã có một ý kiến ​​vang dội rằng tình trạng thiếu điện kéo dài trên lục địa này phải được giải quyết khẩn cấp. Có một số hy vọng rằng “chuyển đổi năng lượng chính đáng” do phương Tây tài trợ sẽ tạo ra một số cơ hội, nhưng nhiều người vẫn hoài nghi.

Bộ trưởng Tài nguyên Khoáng sản và Năng lượng Nam Phi Gwede Mantashe là một trong số những người chỉ trích các nỗ lực JETP giúp châu Phi nhanh chóng chuyển từ than sang các nguồn năng lượng sạch hơn.

Quan chức này là một trong những người ủng hộ châu Phi nên sử dụng các nguồn năng lượng hiện có để cung cấp đủ điện cho lục địa, gồm khí tự nhiên, thủy điện, điện gió, điện mặt trời và nhất là than.

Bảo Vĩnh