Suýt chết do hóc xương vịt
Thông tin Y học - Ngày đăng : 17:19, 24/03/2023
Chiều 24.3, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cho hay đã gắp thành công một mẩu xương vịt kích thước 20 x 3mm, cạnh sắc nhọn 2 đầu, đâm xuyên 2 thành thực quản gây áp xe trung thất, cứu người phụ nữ 65 tuổi thoát khỏi nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ Trần Anh Tuấn (Khoa Nội soi - Thăm dò chức năng) cho biết bệnh nhân là bà V.T.M (65 tuổi, ngụ tại TP.HCM) nhập viện do bị hóc xương vịt khoảng 3 ngày trước, với các biểu hiện nuốt vướng, đau nhiều vùng cổ.
Trước đó, ngày 7.3, bà M. đến khám tại một cơ sở y tế gần nhà và được chẩn đoán “dị vật xuyên thành thực quản 1/3 giữa”, bác sĩ ở đây tiến hành nội soi thực quản nhưng không gắp được nên chuyển tuyến đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhân được chụp CT-scan cổ ngực, ghi nhận dị vật xuyên thành thực quản 1/3 giữa, tụ ít dịch khí xung quanh, các bác sĩ đã nội soi thực quản cấp cứu để lấy dị vật lần nữa nhưng không thành công.
Bác sĩ khoa cấp cứu hội chẩn với chuyên khoa Ngoại Tổng quát và Ngoại Lồng ngực mạch máu - Bướu cổ ngay trong đêm. Ngày 8.3, người bệnh được chẩn đoán áp xe trung thất - dị vật xuyên thành thực quản.
Theo BS Tuấn, dị vật này rất khó lấy và có nhiều nguy cơ gây tổn thương thành thực quản do kích thước của dị vật lớn, sắc nhọn và nằm ở vị trí xuyên 2 thành thực quản. Ngoài ra, dị vật đang gây áp xe, nếu không xử lý sớm sẽ gây tràn khí dưới da vùng cổ và ngực, gây nguy hiểm tính mạng cho người bệnh.
“Chúng tôi tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa Ngoại lồng ngực - Mạch máu - Bướu cổ, Ngoại tiêu hóa và Gây mê hồi sức, quyết định tiến hành nội soi thực quản lấy dị vật với phương pháp vô cảm mê nội khí quản. Tại phòng mổ, sau khi người bệnh được gây mê, chúng tôi đưa dụng cụ vào quan sát và quá trình lấy dị vật rất khó khăn đòi hỏi thao tác phải rất thành thục và khéo léo. Sau nhiều nỗ lực và kiên trì, cuối cùng chúng tôi đã thành công lấy được dị vật ra khỏi cơ thể người bệnh”, bác sĩ Tuấn kể và cho biết “dị vật là mẩu xương vịt kích thước 20 x 3mm, cạnh sắc nhọn 2 đầu, đâm xuyên 2 thành thực quản. Quan sát qua nội soi thấy có nhiều dịch mủ trắng đục trào ra từ lỗ thủng xuyên thành thực quản. Bệnh nhân được đặt sonde mũi dạ dày chủ động qua nội soi”.
Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn, sau khi lấy được dị vật ra khỏi cơ thể, người bệnh cần nhịn ăn uống qua đường miệng. Bác sĩ dinh dưỡng đã được mời để phối hợp hỗ trợ chế độ dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch trong thời gian này. Người bệnh được điều trị kháng sinh phổ rộng phối hợp để điều trị phần mủ áp xe quanh thực quản. Một tuần sau khi được phẫu thuật gắp dị vật, kết quả xét nghiệm đều cho thấy tình trạng của người bệnh được cải thiện theo hướng tốt, dấu hiệu nhiễm trùng giảm và về bình thường.
“Sau 8 ngày nhịn ăn uống hoàn toàn đường miệng, người bệnh được cho tập uống nước và ăn cháo loãng và sau đó được cho xuất viện trong tình trạng khỏe mạnh”, bác sĩ Tuấn nói thêm.
Để phòng ngừa dị vật thực quản, bác sĩ Tuấn khuyến cáo mọi người không nên ăn uống vội vàng. Đối với trẻ em và người già, cần loại bỏ hết xương trước khi ăn. Khi bị hóc không nên chữa mẹo. Khi phát hiện dị vật, cần đến ngay chuyên khoa tai mũi họng để được soi gắp kịp thời, tránh các biến chứng.