Bộ Y tế sẽ giải quyết xong 7.000 hồ sơ cấp phép trang thiết bị vào cuối năm 2024

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 16:00, 24/03/2023

Sáng 24.3, Bộ Y tế đã có cuộc gặp gỡ báo chí để cung cấp các thông tin về ngành y trong quý 1/2023.

Dịch bệnh COVID-19 sẽ sớm kết thúc

Mới đây, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết dịch COVID-19 sẽ trở thành một bệnh như "cúm mùa", còn Bộ Y tế cho rằng dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, nước ta vẫn ghi nhận rải rác các trường hợp mắc mới COVID-19, thế giới tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng lây lan nhanh hơn, có khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin hoặc miễn dịch, khiến số ca mắc, số ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát.

Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế trong tình huống dịch COVID-19 có biến chủng mới nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế để sẵn sàng triển khai khi dịch bệnh tiếp tục xảy ra trên diện rộng. Về chủ trương phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới, Bộ Y tế khẳng định đã công bố tạm thời việc "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", phòng chống dịch theo phương thức quản lý rủi ro. Bảo đảm hài hòa, chặt chẽ, hiệu quả giữa các biện pháp phòng chống dịch với các biện pháp khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

tiem-vac-xin-cho-tre-23.jpg
Bộ Y tế khẳng định trong quý 1/2023 sẽ kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh không để xảy ra “dịch chồng dịch”

Để chủ động phòng chống dịch COVID-19, trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục tập trung theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong nước, quốc tế. Bộ cũng tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại cửa khẩu, cộng đồng, tại các cơ sở khám chữa bệnh, giải trình tự gien nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt khi các biến thể mới của vi rút cũng như các biến thể phụ có khả năng gây bệnh nặng, né tránh miễn dịch hay giảm hiệu quả thuốc chữa bệnh.

Bộ Y tế tiếp tục thúc đẩy việc tiêm vắc xin phòng bệnh COVID-19 đặc biệt đối với các trường hợp nguy cơ cao, trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn, khu vực trọng điểm du lịch, có lượng khách quốc tế cao. Bộ Y tế cho biết bộ luôn phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới để theo dõi chặt chẽ thường xuyên, đánh giá tình hình dịch bệnh.

Trong trường hợp tình hình dịch diễn biến bình thường, có thể dự báo và kiểm soát được, các biện pháp phòng chống dịch sẽ được kịp thời điều chỉnh nhằm chủ động đáp ứng với dịch COVID-19 và bảo đảm sức khỏe người dân.

Bộ Y tế lên tiếng trả lời về hơn 7.000 hồ sơ cấp phép trang thiết bị đang tồn đọng

Cũng tại cuộc họp báo sáng 24.3, có nhiều câu hỏi về việc hiện đang có khoảng 7.000 hồ sơ cấp phép trang thiết bị y tế đang tồn đọng, nhiều hồ sơ đã nộp từ rất lâu chưa được xét, đề nghị Bộ Y tế chỉ rõ nguyên nhân tồn đọng, có giải pháp cụ thể nào để đẩy nhanh tiến độ xử lý cho các đơn vị...?

Trả lời về những điều này, ông Nguyễn Tử Hiếu, Phó vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết theo quy định của Nghị định 98 của Chính phủ, Bộ Y tế đã tổ chức thẩm định hồ sơ và cấp số lưu hành.

tu-hieu(1).jpg
Ông Nguyễn Tử Hiếu, Phó vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) trả lời báo chí sáng 24.3

"Tuy nhiên, do số lượng hồ sơ nhiều, trong thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc dẫn đến có tâm lý e ngại trong việc đọc và thẩm định hồ sơ của các chuyên gia độc lập. Ngoài ra, nguồn nhân lực trực tiếp làm công tác quản lý, xử lý hồ sơ tại Bộ Y tế rất thiếu"- ông Nguyễn Tử Hiếu cho biết.

Ông Hiếu cũng chia sẻ hiện nay các cán bộ xử lý hồ sơ có ít người, mỗi người kiêm nhiệm nhiều việc khác nên hồ sơ chưa thể xử lý được ngay. "Tới đây, sau khi chuyển đổi thành Cục Cơ sở hạ tầng và thiết bị y tế (theo Nghị quyết 95 của Chính phủ), nhân lực của chúng tôi sẽ tăng, có thể đẩy nhanh giải quyết hồ sơ tồn đọng hiện nay" - ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, hiện các đơn vị đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành được 5 lần sửa đổi, bổ sung hồ sơ kể từ ngày Bộ Y tế có yêu cầu sửa đổi, bổ sung. Qua thống kê, có hơn 90% hồ sơ đề nghị cấp số lưu hành phải đề nghị sửa đổi bổ sung.

"Sau mỗi lần bổ sung do thủ tục này được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử theo dịch vụ công cấp độ 4, doanh nghiệp có thể thay đổi toàn bộ nội dung, tài liệu đăng ký lưu hành, dẫn đến việc thẩm định viên phải đọc lại từ đầu và trên thực tế mỗi hồ sơ đều phải đọc nhiều lần làm tăng khối lượng công việc cho các chuyên gia và chuyên viên trong khi số lượng chuyên gia và chuyên viên còn thiếu nhiều".

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Hiếu cho biết trong thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ, trong đó đã sửa đổi, bổ sung quy trình tiếp nhận, thẩm định, cấp, hậu kiểm và thu hồi số lưu hành trang thiết bị y tế theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để đẩy nhanh tiến độ cấp số lưu hành trang thiết bị y tế. Bộ cam kết sẽ giải quyết 7.000 hồ sơ tồn đọng này tới ngày 31.12.2024 thì xong.

Chia sẻ thêm về giải pháp xử lý tồn đọng hồ sơ xin giấy phép đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế, TS Hà Anh Đức, Chánh văn phòng Bộ Y tế cho biết: Bộ Y tế cũng đang đề xuất tăng phí thẩm định cho chuyên gia để thỏa đáng, vì đây không phải công việc nhẹ nhàng, mà có tính trách nhiệm cao.

Dạ Thảo