Lý do Philippines cho phép Mỹ tăng cường hiện diện quân sự
Chuyển động - Ngày đăng : 20:05, 22/03/2023
Hồi đầu tháng 2, chính phủ Philippines tuyên bố sẽ cho phép quân Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự của Philippines, cộng thêm vào 5 căn cứ Mỹ đã có từ sau Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA) mà Philippines đã ký với Mỹ năm 2014.
Tổng thống Ferdinand Marcos Jr mở cuộc họp báo ngày 22.3, sau khi dự lễ kỷ niệm 126 năm ngày thành lập quân đội Philippines. Tại buổi lễ, ông đã kêu gọi các quân nhân luôn trong tư thế sẵn sàng: “Quân đội phải luôn chuẩn bị sẵn sàng và có khả năng trong bất kỳ tình hình khẩn cấp nào, nhất là khi binh sĩ là tuyến phòng thủ cuối cùng của đất nước chống lại bất kỳ mối đe dọa an ninh nào từ bên ngoài”.
Tại cuộc họp báo, Tổng thống Marcos nói sẽ sớm công bố 4 vị trí mới để lập căn cứ Mỹ và sẽ gồm các vùng ở miền Bắc Philippines.
Theo AP, việc chọn vùng này để lập căn cứ Mỹ đã khiến các quan chức Trung Quốc bực tức, vì nó sẽ cho phép quân Mỹ có bãi tập trận sát phía nam Trung Quốc và Đài Loan.
Việc sẽ nâng số căn cứ Mỹ tại Philippines lên 9 giữa lúc căng thẳng Mỹ - Trung đang tăng cao càng gây chú ý. Chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lập khối đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để đề phòng tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh, gồm cả đề phòng nguy cơ xảy ra xung đột liên quan Đài Loan.
Các động thái của Mỹ ăn khớp chặt chẽ với các nỗ lực bảo vệ lãnh thổ của Philippines vào lúc nước này cùng Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông.
Ngoài việc cho lập căn cứ Mỹ tại miền Bắc và miền Nam Philippines, Tổng thống Marcos còn nói theo Thỏa thuận EDCA, quân Mỹ cũng sẽ được phép trú đóng ở tỉnh Palawan. Tỉnh này ở phía tây và hướng ra Biển Đông.
Ông Marcos nhấn mạnh động thái này nhằm tăng cường năng lực phòng thủ bờ biển, đồng thời cho biết đã giải quyết việc một số người dân phản đối sự hiện diện của quân đội Mỹ.
“Chúng tôi đã giải thích cho họ biết tầm quan trọng của sự hiện diện đó và đó là điều tốt cho tỉnh của họ”, ông Marcos cho biết và nói thêm rằng những người từng phản đối đã chuyển qua “ủng hộ ý tưởng có một căn cứ EDCA trong tỉnh của họ”.
Tỉnh trưởng Manuel Mamba của tỉnh Cagayan - nơi quân Mỹ có thể trú đóng cùng với vũ khí tại hai căn cứ quân sự Philippines, nói Tổng thống Marcos có đặc quyền đưa ra quyết định.
Nhưng ông Mamba giữ nguyên sự phản đối đối với việc cho phép quân Mỹ đóng quân trong tỉnh Cagayan vốn gần phía nam Trung Quốc và Đài Loan. Ông giải thích việc này có thể khiến tỉnh ông trở thành một mục tiêu chính của quân đội Trung Quốc, nếu xảy ra xung đột vũ trang liên quan Đài Loan và có sự tham gia của quân đội Mỹ.
Ông Mamba nói với AP: “Đó là quyết định của tổng thống, không phải của tôi. Nhưng tôi vẫn giữ quan điểm phản đối bất kỳ lực lượng nước ngoài nào trú đóng tại tỉnh của tôi. Tôi vẫn phản đối các căn cứ EDCA tại tỉnh của tôi”.
Các quan chức Mỹ - Philippines nói việc xây căn cứ Mỹ, nhà kho cùng các cơ sở hạ tầng khác bằng tiền của chính phủ Mỹ sẽ giúp tạo thêm nhiều việc làm cho người địa phương và kích cầu nền kinh tế địa phương. Và sự hiện diện quân sự Mỹ sẽ giúp Philippines ứng phó với các thiên tai, tăng cường năng lực sẵn sàng chiến đấu.
Tuy nhiên, Trung Quốc liên tục cáo buộc Mỹ có ý đồ kiềm chế quân đội Trung Quốc và gây chia rẽ giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng châu Á, ví dụ Philippines.
Trong một tuyên bố gần đây, sứ quán Trung Quốc ở Manila dọa về việc tăng cường hiện diện quân sự Mỹ tại Philippines: “Việc tạo ra các cơ hội kinh tế và việc làm thông qua hợp tác quân sự thì cũng giống như dùng chất độc để thỏa cơn khát. Sự hợp tác này sẽ gây nguy hiểm nghiêm trọng cho hòa bình và ổn định của khu vực, và sẽ kéo Philippines vào vực thẳm của xung đột địa chính trị, và cuối cùng sẽ làm tổn hại sự phát triển kinh tế của Philippines”.
Hiện nay, quân Mỹ đã tăng cường và mở rộng huấn luyện chung với quân đội Philippines, chú trọng khả năng ứng phó chiến tranh và thiên tai ở vùng biển phía tây Philippines trông ra Biển Đông, và ở tỉnh Luzon ở phía bắc giáp eo biển Đài Loan.
Trong tháng 4 tới, quân đội Mỹ - Philippines sẽ có cuộc tập trận lớn nhất có tên Balikatan, theo phương ngữ Tagalog thì có nghĩa “Vai kề vai”. Cuộc tập trận bắn đạn thật này có kịch bản hai lực lượng phóng rocket đánh chìm một mô hình giả là tàu địch ở vùng biển giáp Biển Đông.
AP dự báo nếu kịch bản đánh đắm tàu địch này được tiến hành, thì nhiều khả năng Trung Quốc sẽ phản ứng, do Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông. Trung Quốc cũng đã cảnh báo Washington nên chấm dứt xen vào những vấn đề tranh chấp của riêng châu Á.